Đạm Phú Mỹ vẫn giữ mức chia cổ tức 50% trong năm 2022

Đạm Phú Mỹ Việt nAM
09:08 - 25/06/2022
Đạm Phú Mỹ vẫn giữ mức chia cổ tức 50% trong năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo biên bản họp ĐHĐCĐ 2022 vừa công bố ngày 24/6, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán: DPM) đã có giải trình về kế hoạch thoái vốn tại các công ty con cũng như về dự án NH3 – NPK.

Tại phiên họp, Đạm Phú Mỹ đã thông qua các tờ trình về đăng ký bổ sung một số ngành nghề kinh doanh; tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều lệ tổng công ty… Năm 2021, doanh nghiệp cho biết phải đối mặt với các khó khăn từ đại dịch như chuỗi cung ứng đứt gãy, tình hình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, chi phí sản xuất kinh doanh tăng vọt.

Do vậy, Đạm Phú Mỹ vẫn chưa đạt kế hoạch về chỉ tiêu sản lượng kinh doanh phân bón và chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư. Tuy nhiên, năm 2021 kết quả doanh thu của DPM vẫn đạt kết quả khả quan. Cụ thể, doanh thu của Đạm Phú Mỹ đạt doanh thu 13.119 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 3.799 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với năm 2020.

Với kết quả sản xuất kinh doanh tích cực này, Đạm Phú Mỹ đã thông qua mức chi trả cổ tức 50% bằng tiền mặt cho năm 2021 và giữ nguyên mức này cho năm 2022.

6 tháng đầu năm 2022, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục đạt kết quả tốt. Chính vì vậy, Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch doanh thu của năm nay ở mức 17.239 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.130 tỷ đồng.

Về chỉ tiêu sản lượng sản xuất, trong năm 2022, công ty đặt chỉ tiêu ure Phú Mỹ là 828.000 tấn; NPK Phú Mỹ đạt 165.000 tấn; Đạm Kebo đạt 10.000 tấn; UFC 85/Formaldehyde đạt 12.800 tấn; NH3 sản xuất bán thương mại đạt 70.000 tấn.

Về sản lượng kinh doanh, ure Phú Mỹ đạt 800.000 tấn; NPK Phú Mỹ đạt 165.000 tấn; Đạm Kebo đạt 10.000 tấn; UFC 85/Formaldehyde đạt 8.500 tấn; NH3 đạt 70.000 tấn; phân bón khác đạt 260.000 tấn; CO2 đạt 50.000 tấn; hóa chất khác đạt 700 tấn.

Chia sẻ về kế hoạch thoái vốn tại 4 công ty con, Đạm Phú Mỹ cho biết, kế hoạch này đang được tiến hành trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn diện. Sau khi hoàn thiện được đề án tái cơ cấu mô hình kinh doanh, công ty sẽ đưa ra được những định hướng cụ thể hơn về việc duy trì hay thoái vốn ở các công ty con.

Về dự án NH3 – NPK, giải trình về việc dự án thời gian qua không đạt hiệu quả, chậm quyết toán, phía công ty cho biết tiến độ quyết toán chậm vì chủ đầu tư và nhà thầu có vướng mắc tranh chấp, mất thời gian trong vấn đề thủ tục và phân định trách nhiệm hợp đồng. Tiến độ quyết toán vốn sẽ hoàn thành trong quý 3/2022.

Về tình hình hoạt động của dự án, nhà máy NPK đã đi vào hoạt động từ năm 2018 đến nay, bắt đầu thu lãi từ năm 2021; trong năm 2022 phía Đạm Phú Mỹ sẽ đặt mục tiêu đạt sản lượng là 180.000 tấn.

Trước câu hỏi về việc thất thoát 290 tỷ đồng tại Ngân hàng Oceanbank, phía công ty khẳng định đó không được coi là thất thoát tiền vì công ty vẫn đang hưởng lãi định kỳ. Tuy nhiên, hiện Đạm Phú Mỹ lại chưa thể lấy lại toàn bộ số tiền tại Oceanbank do còn phụ thuộc vào đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng này của Ngân hàng Nhà nước.

Về dự án Trung tâm Thương mại Cửu Long, phía công ty cho biết dự án không mang lại hiệu quả cao cho nên công ty đã chuyển đổi mục đích của 1,23 ha đất trong dự án cho phía đối tác Huỳnh Châu. Riêng với công trình tòa nhà Cửu Long Plaza, hiện vẫn thuộc về tài sản của Đạm Phú Mỹ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.