Đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế, cô đỡ thôn, bản

dân tộc Việt nAM
07:16 - 20/12/2023
Đào tạo nhân viên y tế, cô đỡ ở thôn bản. Ảnh minh hoạ.
Đào tạo nhân viên y tế, cô đỡ ở thôn bản. Ảnh minh hoạ.
0:00 / 0:00
0:00
Bạn đọc Phùng Minh Châu, dân tộc Mông ở Tuyên Quang hỏi: Việc chi đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế, cô đỡ thôn, bản trong Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định nào?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 35 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

Chi đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế, cô đỡ thôn, bản: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư số 55/2023/TT-BTC quy định cụ thể:

Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người được cử tham gia lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực (được gọi là học viên):

Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31/1/2023 của Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC. Đối với khoản chi hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học tập trung tối đa bằng mức phụ cấp lưu trú quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28-4-2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (Thông tư số 40/2017/TT-BTC);

Riêng chi xây dựng, biên soạn tài liệu trong một số trường hợp đặc thù thực hiện như sau:

Chi xây dựng, biên soạn tài liệu phục vụ các lớp đào tạo bồi dưỡng, tập huấn có thời gian dưới 5 ngày bao gồm: Tiền công viết tài liệu 70.000 đồng/trang chuẩn (trang A4, thể thức, kỹ thuật trình bày theo quy định hiện hành đối với văn bản hành chính); Tiền công sửa chữa, biên tập tổng thể 40.000 đồng/trang chuẩn và tiền công thẩm định và nhận xét 30.000 đồng/trang chuẩn.

Trường hợp xây dựng, biên soạn tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số, mức chi cao hơn 30% so với các mức chi nêu trên;

Chi số hóa tài liệu trong trường hợp đào tạo, bồi dưỡng từ xa: Thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 83/2021/TT-BTC ngày 4/10/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông;

Nguồn kinh phí bố trí trong dự toán thực hiện Chương trình của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực (bao gồm cả chi hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại, tiền thuê chỗ nghỉ cho học viên).

Trường hợp dự toán được giao cho cơ quan, đơn vị chủ trì đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực không đảm bảo để chi trả chi phí tiền ăn, đi lại, tiền thuê phòng nghỉ cho học viên thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, triệu tập) để cơ quan, đơn vị cử học viên thanh toán các khoản chi phụ cấp lưu trú, đi lại, tiền thuê phòng nghỉ theo quy định.

Trong thời gian công tác, nhân viên y tế thôn, bản được hưởng phụ cấp hàng tháng. Mức phụ cấp hàng tháng đối với nhân viên y tế thôn, bản bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương cơ sở được quy định như sau:

Mức 0,5 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các xã vùng khó khăn theo Quyết định 1010/QĐ-TTg năm 2018 về danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.

Mức 0,3 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các xã còn lại.

NỖ LỰC ĐÀO TẠO CÔ ĐỠ Ở THÔN, BẢN

Cô đỡ thôn, bản là những người sinh sống tại cộng đồng dân tộc thiểu số, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đồng thời cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.

Cả nước hiện chỉ còn 50% (1.549/3.000) cô đỡ thôn bản được đào tạo còn hoạt động tại 28 tỉnh miền núi. Chính sách đãi ngộ chưa bảo đảm cho cuộc sống, phải làm việc kiêm nhiệm, có địa phương không còn kinh phí hỗ trợ... khiến cho số người được đào tạo bài bản không còn mặn mà với công việc làm cô đỡ thôn bản.

Đội ngũ cô đỡ thôn, bản đóng góp không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt trong việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh.

Về thời gian đào tạo đối với Nhân viên y tế thôn, bản các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định, thời gian đào tạo tối thiểu ba tháng. Đối với cô đỡ thôn, bản, các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định thời gian đào tạo tối thiểu sáu tháng. Đối với Nhân viên y tế thôn, bản làm kiêm nhiệm vụ Cô đỡ thôn, bản, các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định thời gian đào tạo tối thiểu ba tháng.

Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ ở thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.

Tin liên quan

Đọc tiếp