Yên Bái nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số

dân tộc Yên Bái
12:22 - 19/12/2023
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải thăm khám bệnh cho người dân. Ảnh: Sở Y tế Yên Bái
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải thăm khám bệnh cho người dân. Ảnh: Sở Y tế Yên Bái
0:00 / 0:00
0:00
Yên Bái là tỉnh miền núi với 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tới 56,24% dân số, đời sống người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. 

Nhằm cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai các nội dung, nhiệm vụ thực hiện Dự án 7 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Để thực hiện dự án này, theo thông tin từ Sở y tế Yên Bái, tỉnh đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nâng cao năng lực quản lý dân số ở cơ sở.

Thời gian qua ngành y tế tỉnh đã rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo bác sĩ chuyên khoa I từ các địa phương; hỗ trợ phụ cấp, đỡ đẻ tại nhà cho 40 cô đỡ thôn bản từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023.

Đồng thời, tổ chức 54 lớp tập huấn cung cấp kiến thức và kĩ năng truyền thông, hướng dẫn triển khai về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính cho 1.229 cán bộ y tế tuyến huyện, xã và đội ngũ y tế thôn bản nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn.

Tỉnh cũng cung cấp 1.600 gói đẻ sạch cho tuyến cơ sở; hỗ trợ cho các cán bộ y tế 98 điểm tiêm ngoài trạm thuộc các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình từ tháng 1 đến hết tháng 6/2023.

Ngành y tế tỉnh Yên Bái cũng duy trì hoạt động sàng lọc trước sinh (siêu âm thai) cho 249 bà mẹ, ước đạt 12%; lấy máu gót chân cho 161 trẻ sơ sinh, ước đạt 8% tổng số trẻ sinh; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trên 6.597 người cao tuổi tại 63 chiến dịch truyền thông kết hợp với cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi…

Cán bộ y tế cho trẻ từ uống Vitamin A. Ảnh: Sở Y tế Yên Bái

Cán bộ y tế cho trẻ từ uống Vitamin A. Ảnh: Sở Y tế Yên Bái

Về thực hiện mục tiêu chăm sóc và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, thuộc dự án 7, từ ngày 1 - 15/12 vừa qua, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái đã tổ chức triển khai Chiến dịch bổ sung vitamin A và tẩy giun cho trẻ em đợt 2 năm 2023, tại 15 địa điểm tại các trạm y tế xã, phường trên địa bàn thành phố.

Trạm y tế đã tổ chức khám phân loại, tư vấn, cân, đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, cho trẻ từ 6 tháng đến 60 tháng tuổi uống vitamin A và trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun.

Cùng với đó, trong đợt triển khai chiến dịch này, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ của Trung tâm Y tế thành phố đã tổ chức các hoạt động truyền thông - giáo dục sức khỏe, tư vấn nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bổ sung Vitamin A; bổ sung dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày một cách khoa học, hợp lý và phòng, chống các bệnh giun sán cho người dân.

Trạm y tế cũng lồng ghép hoạt động truyền thông phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng với các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh.

Theo kế hoạch, Chiến dịch phấn đấu đạt mục tiêu trên 97% trẻ từ 6 tháng - 60 tháng tuổi được uống vitamin A; trên 95% trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi được uống thuốc tẩy giun; trên 95% trẻ từ 0 - 60 tháng tuổi được cân, đo và đánh giá tình trạng dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi và béo phì.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế Yên Bái, bên cạnh những kết quả đạt được, do Yên Bái là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao nên còn có sự chênh lệch, khác biệt khá lớn về tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giữa các địa phương và các nhóm dân tộc khác nhau; phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em, tình trạng phụ nữ có thai không đi khám thai và quản lý thai, sinh tại nhà vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Để giải quyết những vấn đề này, thời gian tới, ngành y tế cùng chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp can thiệp về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng, để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Dự án 7 "Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” là một trong 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Dự án giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 nhằm mục tiêu cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tin liên quan

Đọc tiếp