Dệt may tiếp nhận nhiều đơn hàng lớn trong nửa đầu năm 2022

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
22:26 - 19/02/2022
Dệt may tiếp nhận nhiều đơn hàng lớn trong nửa đầu năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Với nhiều đơn đặt hàng kéo dài tới tháng 6/2022, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 43 tỷ USD trong năm nay, đồng thời liên tục tuyển thêm lao động để kịp tiến độ sản xuất.

Đơn hàng trải dài tới quý II/2022

Ngành dệt may trong năm nay đã ghi nhận nhiều khởi sắc với lượng đơn hàng liên tục đổ về trong những ngày đầu năm 2022, qua đó tạo động lực cho các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu ở cả thị trường truyền thống và tiềm năng.

Đón nhận nhiều tin vui, ngành dệt may đã bắt đầu "lấy đà" tăng trưởng trở lại sau dịp Tết với triển vọng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 43 tỷ USD.

Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết, hiện doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các đối tác nhập khẩu từ nay đến hết quý I/2022. Một số đơn hàng được ký đến quý II/2022, đủ để May 10 yên tâm, ổn định sản xuất, tạo phấn khởi cho người lao động. Hiện tại, doanh nghiệp đang dồn tốc lực sản xuất cho kịp tiến độ. Với lượng đơn hàng sẵn có, May 10 có thể hoàn thành thành chỉ tiêu đặt ra trong quý I/2022.

Công ty May Sài Gòn 3 cũng cho biết hiện đã nhận được đơn hàng đến hết quý IV, tăng hơn 20% so với cùng kỳ các năm trước. "Chúng tôi đang làm việc với khách về việc phát triển những đơn hàng và năng lực trong thời gian quý 3 và quý 4 năm 2022", bà Trương Thị Thanh Bình, Giám đốc Kế hoạch Kinh doanh Công ty May Sài Gòn 3, cho biết.

Trong khi đó, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - chia sẻ, các đơn vị may của tập đoàn đã đủ đơn hàng đến hết quý I/2022, thậm chí nhiều đơn vị đã có đơn hàng đến quý III/2022 và tất cả các đơn vị đang nỗ lực sản xuất để giao hàng đúng tiến độ.

Ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn (Ảnh minh họa)

Ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn (Ảnh minh họa)

Đánh giá về triển vọng ngành dệt may năm 2022, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng tín hiệu tích cực đã tới từ các thị trường lớn như Mỹ, EU.

Nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại là điều kiện lý tưởng để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Nếu dịch COVID-19 sớm được kiểm soát, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu ngành đạt giá trị khoảng 42 - 43,5 tỷ USD trong năm 2022 sẽ sớm thành hiện thực.

Đơn hàng dồi dào, doanh nghiệp tuyển thêm lao động

Theo ông Lê Tất Thắng, cán bộ Công đoàn Dệt may Việt Nam (khu vực phía Nam), tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc trong các doanh nghiệp ngành Dệt may phía Nam sau Tết khoảng 95%, còn ngành Dệt sợi khoảng 97%.

Qua nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp, hiện đơn hàng khá dồi dào, nhiều công ty cho biết đã ký đơn hàng đến hết tháng 6/2022. Chính vì thế, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động khá lớn, từ 6.000 - 9.000 công nhân, tương đương từ 10% - 15% số lao động hiện tại.

Mức lương bình quân cho lao động tuyển dụng mới khoảng 8 triệu - 8,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, ngành nghề dệt may, da giày vẫn là những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng đông lao động.

Hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc sau dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: CAND)

Hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc sau dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: CAND)

Lượng lớn đơn hàng của Tổng Công ty 28, Tổng Cục Hậu cần trong năm 2022 cũng tăng hơn 25% so với các năm. Vậy nên, để tăng năng suất, đáp ứng đơn hàng, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho các thiết bị tự động hóa, đồng thời có chính sách chăm lo cho người lao động để không bị biến động lao động sau Tết.

"Chúng tôi vẫn chăm lo rất tốt cho cái Tết vừa rồi, nên lượng lao động quay lại làm việc bình thường sau Tết đạt 98%", ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty 28, Tổng Cục Hậu cần, cho hay.

Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp may mặc đang mở rộng sản xuất, nhu cầu thu hút lao động vào làm việc rất lớn.

Do đó, Sở Công Thương của tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút lao động nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh do gián đoạn trong năm 2021, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương trong khuyến công, xúc tiến thương mại để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.