‘Đồng hồ Ngày tận thế’ năm 2024 cách thảm họa chỉ 90 giây

Thảm họa THẾ GIỚI
15:09 - 24/01/2024
"Đồng hồ Ngày tận thế" do Bulletin of the Atomic Scientists (BAS) tạo ra. Ảnh: AP
"Đồng hồ Ngày tận thế" do Bulletin of the Atomic Scientists (BAS) tạo ra. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học nguyên tử thế giới ngày 23/1 tiếp tục đặt “Đồng hồ Ngày tận thế” ở mốc 90 giây trước khi đến 12h đêm, cảnh báo về nguy cơ thảm họa toàn nhân loại gây ra từ các cuộc xung đột và biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

“Đồng hồ ngày tận thế” (Doomsday Clock) là công cụ biểu tượng được tạo ra vào năm 1947 bởi ban lãnh đạo của tờ Bulletin of the Atomic Scientists (BAS) – (Bản tin khoa học nguyên tử), có trụ sở tại Chicago, Mỹ. Biểu tượng này nhằm đưa ra mức độ cảnh báo về thời điểm nhân loại sẽ chạm mốc bị hủy diệt. Khi hiểm họa ngày càng lớn thì chiếc đồng hồ càng chạy gần thời điểm nửa đêm (tức 12h đêm).

Năm nay, các nhà khoa học tiếp tục đặt kim đồng hồ ở mốc 90 giây trước nửa đêm như năm 2023. Điều này đồng nghĩa rằng nhân loại đang tiếp tục sống trong thời khắc cận kề với nguy hiểm.

Ông Rachel Bronson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của BAS, nói với Reuters rằng: “Các điểm nóng xung đột trên khắp thế giới mang đến mối đe dọa hạt nhân leo thang, biến đổi khí hậu đã gây ra cái chết và sự tàn phá, đồng thời các công nghệ đột phá như AI và nghiên cứu sinh học đang tiến bộ nhanh hơn các biện pháp bảo vệ trước mối đe dọa từ chính chúng”.

Ông cảnh báo rằng việc đồng hồ không dịch chuyển so với năm trước “không phải là dấu hiệu cho thấy thế giới đang ổn định”.

BAS cho biết các xu hướng đáng lo ngại đang tiếp tục gia tăng, bao gồm việc Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang chi số tiền lớn để mở rộng hoặc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân do tính toán sai lầm.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine – sắp bước sang năm thứ 2 – đã làm gia tăng căng thẳng giữa Moscow và phương Tây lên mức nguy hiểm nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza cũng được BAS cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh hạt nhân hiện nay.

“Là một quốc gia hạt nhân, các hành động của Israel rõ ràng có liên quan đến cuộc thảo luận về ‘Đồng hồ Ngày tận thế’. Điều đặc biệt lo ngại là cuộc xung đột có thể leo thang trên diện rộng hơn trong khu vực, tạo ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn và kéo thêm nhiều cường quốc hạt nhân hoặc các cường quốc gần hạt nhân”, ông Rachel Bronson nói.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng đã được thêm vào như một yếu tố trong việc ảnh hưởng đến “Đồng hồ Ngày tận thế” kể từ năm 2007. Ông Bronson cho biết: “Thế giới vào năm 2023 tiếp tục phải hứng chịu năm nóng kỷ lục và lượng khí thải nhà kính toàn cầu tiếp tục gia tăng. Nhiệt độ bề mặt biển cả toàn cầu và Bắc Đại Tây Dương đều phá kỷ lục, trong khi băng biển ở Nam Cực hạ xuống mức thấp nhất hàng ngày kể từ khi có dữ liệu vệ tinh”.

Mặc dù năm 2023 được coi là năm kỷ lục về năng lượng sạch, với khoản đầu tư mới 1.700 tỷ USD, thì tổng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch cũng lên tới gần 1.000 tỷ USD.

Chuyên gia của BAS nhấn mạnh rằng, những nỗ lực hiện nay nhằm giảm phát thải khí nhà kính là “hoàn toàn không đủ để tránh những tác động nguy hiểm đến con người và kinh tế từ biến đổi khí hậu, vốn ảnh hưởng không tương xứng đến những người nghèo nhất trên thế giới”.

Tờ Bulletin of the Atomic Scientists (BAS) được thành lập vào năm 1945 bởi các nhà khoa học, trong đó có nhà vật lý lý thuyết hàng đầu thế giới Albert Einstein và nhà khoa học J. Robert Oppenheimer - "cha đẻ của bom nguyên tử".

Đọc tiếp