EU chính thức tung gói trừng phạt thứ 8 với Nga vì sáp nhập lãnh thổ Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
08:08 - 07/10/2022
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Jossep Borrell phát biểu trước truyền thông về cuộc khủng hoảng Ukraine. Ảnh: Reuters
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Jossep Borrell phát biểu trước truyền thông về cuộc khủng hoảng Ukraine. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 6/10, Liên minh châu Âu (EU) chính thức công bố gói trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga, trong bối cảnh Moscow vừa hoàn tất quá trình sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Kherson, Lugansk và Zaporizhzhia. 

Theo Reuters, trong gói trừng phạt mới, EU tuyên bố thắt chặt hơn các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng từ tháng 4 đối với dịch vụ tiền điện tử ở Nga. Theo đó, khối này sẽ "cấm tất cả ví điện tử, tài khoản hoặc dịch vụ liên quan tài sản tiền điện tử, bất kể số lượng ví là bao nhiêu" của Nga.

Sau khi các dịch vụ thanh toán như Visa và Mastercard rời Nga vào đầu năm nay, cũng như một số ngân hàng của nước này bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT, những loại tiền điện tử như stablecoin (USDT) đã trở thành một trong những cách hiệu quả nhất để người Nga chuyển tiền ra nước ngoài.

Tàu chở dầu tại cảng dầu Kozmino trên bờ Vịnh Nakhodka, gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters

Tàu chở dầu tại cảng dầu Kozmino trên bờ Vịnh Nakhodka, gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters

EU cũng quy định việc áp giá trần đối với các sản phẩm dầu thô của Nga được vận chuyển đến các nước thứ ba qua đường hàng hải. Khối cũng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng bao gồm sản phẩm thép và ngừng xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin, kỹ thuật cùng pháp lý cho các thực thể của Nga.

Gói trừng phạt mới cũng nhắm vào một loạt cá nhân và thực thể Nga. Theo đó, 37 cá nhân và tổ chức Nga, bao gồm cả tại Bộ Quốc phòng Nga đều bị đưa vào danh sách đen. EU đồng thời ra quy định cấm các công dân của khối giữ vị trí trong hội đồng quản trị của một số tổ chức, thực thể hoặc cơ quan thuộc sở hữu nhà nước của Nga.

Đặc biệt, EU tuyên bố sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt đối với các khu vực Ukraine đã trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga.

“Hội đồng châu Âu quyết định, kể từ hôm nay, phạm vi địa lý của các lệnh trừng phạt được đưa ra vào ngày 23/2 - bao gồm lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Donetsk và Luhansk, sẽ được mở rộng để với cả Zaporizhzhia và Kherson”, RT dẫn tuyên bố của Hội đồng châu Âu ngày 6/10.

Ông Putin và lãnh đạo bốn khu vực ly khai Ukraine ký hiệp ước sáp nhập lãnh thổ Nga ngày 30/9. Ảnh: AP

Ông Putin và lãnh đạo bốn khu vực ly khai Ukraine ký hiệp ước sáp nhập lãnh thổ Nga ngày 30/9. Ảnh: AP

Hôm 23/2, một ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, EU đã áp đặt gói trừng phạt đầu tiên lên Nga vì nước này công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Lugansk tự xưng (LPR) là các quốc gia độc lập. Kể từ đó, 7 gói trừng phạt Moscow đã được EU lần lượt thông qua.

Đợt hạn chế mới nhất của EU áp đặt với Nga được công bố chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước thống nhất về luật pháp đối với 4 tỉnh của Ukraine. Các thỏa thuận đã được ký kết giữa ông Putin và lãnh đạo bốn khu vực ly khai này vào ngày 30/9.

Tuy nhiên, Hội đồng châu Âu cho biết sẽ không bao giờ công nhận các cuộc trưng cầu dân ý và chỉ trích "kết quả bỏ phiếu bị sai lệch và bất hợp pháp". EU cũng tuyên bố, Kiev “có quyền giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bên trong các biên giới được quốc tế công nhận” và cam kết sẽ tăng cường áp lực hơn nữa đối với Nga.

Bình luận về gói trừng phạt thứ 8 của EU, Reuters cho rằng đây mới chỉ là bước đầu trong việc áp giá trần đối với dầu Nga chứ chưa phải áp dụng thực tế. Bên cạnh đó, một số quốc gia châu Âu chưa thực sự kỳ vọng vào sự áp lực của các biện pháp trừng phạt vì nó vẫn không chấm dứt việc EU nhập khẩu kim cương từ Nga và hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.