EU thông qua gói cấm vận thứ 10 lên Nga

Cấm vận Nga - EU
16:32 - 25/02/2023
Trụ sở Ủy ban Châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters
Trụ sở Ủy ban Châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã kịp thông qua vòng trừng phạt thứ 10 lên Nga vào ngày 24/2, nhằm đánh dấu tròn một năm chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow bắt đầu tại Ukraine.

Theo hãng tin RT, các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU trong khuôn khổ gói cấm vận thứ 10 lên Nga bao gồm các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với nhiều mặt hàng cũng như các công nghệ khác nhau. Đặc biệt, thông báo của Hội đồng Liên minh châu Âu cũng nhấn mạnh các lệnh cấm vận mới còn tập trung vào "các biện pháp chống lại thông tin sai lệch của Nga".

Thêm vào đó, khối cũng đồng ý áp đặt các hạn chế mới đối với các cá nhân và tổ chức được cho là đang hỗ trợ hoạt động quân sự, “tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái do Nga sử dụng” ở Ukraine.

Nhận định về các lệnh trừng phạt này và tác động của nó, chính phủ Thụy Điển - quốc gia đang giữ ghế chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu - ngày 24/2 cho biết “EU luôn đoàn kết với Ukraine và người dân Ukraine”. Đồng thời, quốc gia này cũng tuyên bố khối sẽ “tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho tới khi nào cần thiết”.

Tuyên bố này cũng lặp lại thái độ hỗ trợ Ukraine được Tổng thống Joe Biden cùng các quan chức Mỹ khác thể hiện trong những ngày gần đây. Là một trong những đồng minh hàng đầu hỗ trợ Ukraine, Washington và EU đều không xác định mục tiêu cụ thể phải đạt được là gì và mất bao lâu.

EU cũng không phải bên duy nhất thông qua các lệnh trừng phạt mới lên Nga ngày 24/2 nhân dịp một năm chiến dịch quân sự đặc biệt được khởi động mà còn có cả Mỹ, Anh, Australia và New Zealand. Chính phủ Mỹ trong cùng ngày cũng vừa công bố gói viện trợ vũ khí dài hạn trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine, tuy nhiên bác bỏ việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev.

Ở một diễn biến khác, dù đã tới vòng trừng phạt thứ 10 nhưng EU vẫn chưa thể đạt được sự thống nhất trong một lệnh cấm vận lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga.

Theo RT trích dẫn bài phỏng vấn của Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto nói với RIA Novosti hôm 24/2, các lệnh trừng phạt mới nhất của EU "chắc chắn" sẽ loại trừ ngành năng lượng hạt nhân của Nga. Ông cho biết Budapest kiên quyết phản đối việc nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp quan trọng này, đồng thời cho biết thêm rằng một số quốc gia EU khác cũng ủng hộ lập trường này chứ không riêng gì Hungary.

Trên thực tế, Budapest thể hiện thái độ phản đối do nước này đang có một thỏa thuận với Moscow trong việc mở rộng Nhà máy điện hạt nhân Paks. Nếu dự án này bị ngừng lại, nó sẽ gây thiệt hại lớn cho Hungary do nó sẽ làm mất đi đảm bảo về an ninh năng lượng của quốc gia này. Theo ông, “ngành năng lượng nên được miễn trừ hoàn toàn khỏi các biện pháp trừng phạt vì năng lượng là vấn đề vật chất không liên quan gì đến chính trị hay ý thức hệ”.

Trong khi các đồng minh phương Tây tiếp tục thông qua các vòng trừng phạt mới lên Nga, nền kinh tế quốc gia này trên thực tế lại hoạt động tốt hơn mong đợi. Trong năm 2022, tăng trưởng GDP Nga chỉ giảm 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 15% trước đó. Với doanh thu từ năng lượng cao hơn so với trước khi xung đột bắt đầu, nền kinh tế Nga được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với Vương quốc Anh trong năm 2023.

Về phần Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông khẳng định các biện pháp trừng phạt nhằm gây đau khổ cho người dân Nga đã phản tác dụng trong thông điệp Liên bang ngày 21/2 của mình. Cụ thể, ông cho biết phương Tây “đã tính toán sai và nền kinh tế Nga tỏ ra mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì họ mong đợi”.

Tin liên quan

Đọc tiếp