FemTech – lĩnh vực tiềm năng nhưng chưa nhận được sự chú ý

Công nghê THẾ GIỚI
18:11 - 12/06/2023
FemTech là một lĩnh vực chưa nhận được sự chú ý tương xứng và gặp phải nhiều sự phân biệt đối xử. Ảnh: Shutterstock
FemTech là một lĩnh vực chưa nhận được sự chú ý tương xứng và gặp phải nhiều sự phân biệt đối xử. Ảnh: Shutterstock
0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp việc là một thị trường tiềm năng lớn có thể đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2027, lĩnh vực công nghệ chăm sóc sức khỏe phụ nữ - hay thường được biết đến là FemTech – không nhận được sự chú ý và sự đầu tư tương xứng.

FemTech là một lĩnh vực bao gồm tất cả những đối mới trong công nghệ được thiết kế để giải quyết các vấn đề sức khỏe mà phụ nữ phải đối mặt từ sức khỏe trong thời kỳ mang thai, thời kỳ mãn kinh, bệnh Alzheimer hay HIV. Do phụ nữ chiếm hơn 50% dân số toàn cầu, thị trường mục tiêu cho các sản phẩm tập trung vào sức khỏe của họ là rất lớn.

Không chỉ về mặt lợi nhuận, việc tạo ra những cải thiện và đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ còn mang lại các lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu nói chung. CNBC trích dẫn nghiên cứu của Women’s Health Access Matters - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tài trợ cho nghiên cứu sức khỏe phụ nữ - cho thấy khoản đầu tư 300 triệu USD vào việc cải thiện sức khỏe phụ nữ có thể tạo ra khoảng 13 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhận định về điều này, bà Karen Taylor, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Giải pháp Sức khỏe tại Deloitte, cho biết: “Cơ hội và tiềm năng tạo ra giá trị khi đầu tư vào lĩnh vực này là rất lớn”. Tuy nhiên ngành này hoàn toàn chưa nhận được sự chú ý và đầu tư tương xứng. Theo số liệu của công ty tư vấn kỹ thuật số Rock Health, chỉ 3,3% khoản đầu tư cho sức khỏe kỹ thuật số ở Mỹ là dành cho phụ nữ trong khoảng thời gian 2011 – 2020.

Bà Tania Boler – nhà sáng lập công ty công nghệ tập trung vào sức khỏe phụ nữ Elvie – chính là một trong những doanh nhân khởi nghiệp gặp khó khăn trong lĩnh vực FemTech. Elvie là một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực FemTech và có doanh thu 100 triệu USD.

Trả lời phỏng vấn CNBC, bà cho biết ngành công nghệ coi FemTech “như một trò đùa”. Bà chia sẻ mọi người không thực sự hiểu về ngành này và trong một số trường hợp liên quan tới vấn đề sức khỏe phụ nữ, các vấn đề như thiếu hiểu biết và thậm chí cả thiếu nhu cầu đang là các thách thức lớn”.

Sự hiểu biết cá nhân về sản phẩm và thị trường là một yếu tố quan trọng nhưng theo số liệu thống kê, hầu hết các quyết định đầu tư đều do nam giới đưa ra. Một báo cáo năm 2022 của European Women in VC, một nhóm các nhà đầu tư mạo hiểm nữ cấp cao, cho thấy chỉ 15% đối tác chung của các quỹ đầu tư mạo hiểm là nữ giới.

Nghiên cứu của Women’s Health Access Matters cho thấy khoản đầu tư 300 triệu USD vào việc cải thiện sức khỏe phụ nữ có thể tạo ra khoảng 13 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Ảnh: Getty Images

Nghiên cứu của Women’s Health Access Matters cho thấy khoản đầu tư 300 triệu USD vào việc cải thiện sức khỏe phụ nữ có thể tạo ra khoảng 13 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Ảnh: Getty Images

Giải thích cho tình trạng này, bà Valerie Evans, nhà đầu tư tiêu dùng tại quỹ đầu tư mạo hiểm The Craftory, cho biết vấn đề sức khỏe phụ nữ thường được coi như một chủ đề “cấm kỵ”. Bà nhận định: “Không phải vì các nhà đầu tư không muốn biết và không phải vì họ cố tình không biết gì, mà tôi nghĩ đó là một vấn đề xã hội tổng thể đang lan tràn trong giới đầu tư”.

Ngoài ra, tỷ lệ cân bằng giới tính trong ban lãnh đạo của công ty cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới mức độ khó khăn khi kêu gọi đầu tư và hỗ trợ. Cụ thể theo McKinsey & Company, hơn 70% các công ty FemTech có ít nhất một nhà sáng lập là nữ, một con số cao hơn hẳn so với mức trung bình 20%. Điều này có mặt tích cực, nhưng cũng có mặt tiêu cực là khiến họ khó nhận được vốn đầu tư hơn.

Dữ liệu từ trường kinh doanh INSEAD cho thấy có chưa đến 3% quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho các công ty khởi nghiệp do nữ lãnh đạo vào năm 2020, trong khi các doanh nhân nữ có khả năng nhận được vốn đầu tư mạo hiểm thấp hơn 63% so với nam giới. Bà Taylor cho biết các nhà sáng lập nữ cũng thường yêu cầu số tiền đầu tư thấp hơn, trái ngược lại với các nhà sáng lập nam có xu hướng mua bán lớn “và các nhà đầu tư đã quen với điều đó”.

Tuy nhiên bất chấp những khó khăn, lĩnh vực FemTech vẫn phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Theo nghiên cứu của FemHealth Insights được CNBC trích dẫn, hơn 60% công ty startup FemTech được thành lập trong khoảng thời gian 5 năm từ năm 2017 đến năm 2022. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tăng 1.000% trong 10 năm qua.

Những con số đáng khích lệ này đang giúp tạo động lực cho một ngành công nghệ tiềm năng nhưng phải vật lộn để thu hút sự chú ý. Bà Brittany Barreto, người sáng lập nền tảng phân tích FemTech FemHealth Insights, chia sẻ bà “vô cùng lạc quan về tương lai ngành chăm sóc sức khỏe phụ nữ”.

Đồng thời, bà cũng nhấn mạnh vào những lợi ích tiềm năng to lớn cho thế giới khi phụ nữ sống lâu hơn, năng động hơn và khẳng định “các nền kinh tế sẽ phát triển hơn nữa nếu phụ nữ khỏe mạnh”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.