Giá ca cao toàn cầu đạt mức kỷ lục trong 60 năm

ca cao THẾ GIỚI
16:03 - 27/03/2024
Hạt ca cao được phơi tại Sinfra, Bờ Biển Ngà, năm 2023. Ảnh: Reuters
Hạt ca cao được phơi tại Sinfra, Bờ Biển Ngà, năm 2023. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng bởi tình trạng giá ca cao toàn cầu tăng cao nhất mọi thời đại, trong bối cảnh những người nông dân ở Tây Phi đang phải vật lộn với thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh trên cây.

Theo CNBC, giá ca cao kỳ hạn giao hàng tháng 5 trên Sàn Giao dịch liên lục địa (ICE) ở New York (Mỹ) đã tăng vọt lên mức 10.080 USD/tấn vào ngày 26/3, trước khi giảm 0,3% xuống mức 9.622 USD/tấn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá của loại hàng hóa này tăng vượt mốc 10.000 USD.

Giá ca cao đã tăng gấp 3 lần trong năm 2023, tăng 129% trong năm 2024 và đặc biệt tăng 255% kể từ tháng 3. Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO) dự báo nguồn cung ca cao sẽ thiếu hụt tới 374.000 tấn trong niên vụ 2023 – 2024, tăng 405% so với mức thâm hụt 74.000 tấn trong niên vụ trước.

Giá ca cao toàn cầu trong 12 tháng qua. Đơn vị: USD/tấn. Nguồn: CNBC
Giá ca cao toàn cầu trong 12 tháng qua. Đơn vị: USD/tấn. Nguồn: CNBC

Ông Paul Joules, nhà phân tích hàng hóa tại Rarobank, cho biết thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung ca cao nghiêm trọng nhất trong hơn 60 năm qua. Sự gián đoạn nguồn cung ca cao được nhìn thấy rõ nhất tại hai quốc gia sản xuất chính là Bờ Biển Ngà và Ghana – vốn chiếm khoảng 60% sản lượng toàn cầu.

Người dân tại khu vực này đang đối mặt với tình trạng mưa lớn khiến gia tăng dịch bệnh trên cây ca cao (như bệnh đậu đen, virus sưng chồi cây), gió Harmattan khắc nghiệt và hiện tượng El Nino khiến thời tiết khô hạn hơn, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Ngoài ra, nhiều cây ca cao đã vượt quá tiềm năng năng suất tối đa, trong khi người nông dân chưa có đợt trồng trọt quy mô nào kể từ đầu những năm 2000.

Ông Joules cho biết, ngày càng có nhiều nông dân ở Bờ Biển Ngà ngừng sản xuất ca cao để chuyển đổi sang các loại cây sinh lợi hơn như cao su. Chính phủ Ghana và Bờ Biển Ngà đã ấn định mức giá ca cao cho nông dân vào đầu mùa vụ nên người dân không được hưởng lợi từ đợt giá cả tăng vọt hiện nay.

Chuyên gia này dự báo người tiêu dùng toàn cầu sẽ thấy sự tác động của tình trạng giá ca cao tăng vọt vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025. “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến,” ông Joules nói. Ông cảnh báo rằng giá ca cao có thể sẽ tăng cao trong một thời gian, vì không có cách khắc phục dễ dàng nào đối với các vấn đề mang tính hệ thống mà thị trường đang đối mặt.

Khi đó, người tiêu dùng có nguy cơ phải đối mặt với mức giá socola cao hơn hoặc “lạm phát thu hẹp” - các thanh socola sẽ giảm kích thước. "Các công ty cũng có thể điều chỉnh nguyên liệu để sử dụng ít cacao hơn trong một số sản phẩm," ông Joules nói thêm. Tình trạng thiếu hụt ca cao sẽ gây ra cú sốc tồi tệ nhất đối với socola đen - loại có hàm lượng ca cao lớn nhất.

Ông cũng cho rằng sự tăng giá ca cao gần đây có thể là do sự hoảng loạn của một số bên thu mua thương mại, hơn là do tình trạng đầu cơ trên thị trường. Ông nói rằng người mua nhìn thấy mức độ thâm hụt nguồn cung ca cao và đang cố gắng đảm bảo sản lượng dự trữ.

Các nhà đầu cơ cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới sự tăng giá của ca cao vào cuối năm ngoái, khi họ đặt cược vào sự tăng giá của loại hàng hóa này. Trong năm nay, nhiều nhà đầu cơ đã đóng trạng thái đầu cơ để hiện thực hoá lợi nhuận.

Giá ca cao tăng đột biến đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất socola. Cổ phiếu của tập đoàn socola Hershey đã giảm khoảng 22% trong 12 tháng qua, trong khi cổ phiếu niêm yết tại Thụy Sĩ của Nestle đã giảm khoảng 13% trong cùng kỳ.

CEO tập đoàn Hershey Michele Buck tháng trước chia sẻ rằng công ty này có chiến lược phòng ngừa rủi ro giá cả. Hiệp hội các nhà sản xuất Bánh kẹo Quốc gia Mỹ nói với CNBC trong một email rằng họ đang làm việc với các nhà bán lẻ để “quản lý chi phí” và giữ giá socola ở mức phải chăng cho người tiêu dùng.

Đọc tiếp