Hàn Quốc tìm cách mở rộng 'đế chế kim chi' ra thế giới

Thực phẩm HÀN QUỐC
19:52 - 31/03/2022
Các sản phẩm kim chi đóng hộp của công ty Sempio. Ảnh: Sempio
Các sản phẩm kim chi đóng hộp của công ty Sempio. Ảnh: Sempio
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm mở rộng xuất khẩu kim chi trên khắp thế giới, các công ty Hàn Quốc đang tìm cách cải thiện phương pháp đóng gói, tăng cường sản xuất tại nước ngoài và đẩy mạnh quá trình nghiên cứu khoa học nhằm chứng minh kim chi có lợi cho sức khỏe.

Theo The Korea Herald, nhu cầu về các sản phẩm kim chi bắt đầu tăng mạnh tại Mỹ sau khi kênh truyền hình PBS phát sóng một bộ phim tài liệu về ẩm thực Hàn Quốc mang tên “Kimchi Chronicles” vào năm 2011. Tiếp đó vào năm 2013, cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama đăng dòng tweet bà làm kim chi bằng cải thảo trồng được trong vườn của Nhà Trắng, dẫn tới một làn sóng công chúng nước Mỹ và trên khắp thế giới tỏ ra rất hứng thú với món kim chi.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, xuất khẩu kim chi đã tăng hơn hai lần lên 159,9 triệu USD vào năm 2021 so với một năm trước đó. Số lượng các quốc gia xuất khẩu cũng tăng từ 61 vào năm 2011 lên 89 vào năm 2021, thể hiện sự phổ biến ngày càng cao của kim chi Hàn Quốc.

Sản phẩm kim chi thuần chay của tập đoàn Daesang. Ảnh: Daesang

Sản phẩm kim chi thuần chay của tập đoàn Daesang. Ảnh: Daesang

Nắm lấy thời cơ đó, hôm 31/3, Tập đoàn Thương mại Thực phẩm và Nông sản (aT) do nhà nước sở hữu thông báo đã tung ra một sản phẩm kim chi mới có thể cải thiện sức khỏe tiêu hóa và có kế hoạch xuất khẩu sang Nhật Bản bắt đầu từ năm nay. Theo ông Ki No-sun, giám đốc bộ phận xuất khẩu của tập đoàn aT, doanh nghiệp rất hoan nghênh cơ hội mở đường đẩy nhanh xuất khẩu kim chi sang thị trường Nhật Bản.

Sản phẩm kim chi mới được đồng phát triển với Viện Kim chi Thế giới do chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Nhằm tăng cường sức khỏe, sản phẩm này còn được thêm thành phần fructooligosaccharides, một chất tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật.

Theo một quan chức thuộc tập đoàn, nhờ có bằng chứng khoa học do chi nhánh Nhật Bản thu được, kim chi Hàn Quốc đã được nước này công nhận là “thực phẩm chức năng” – một từ dùng để chỉ các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Đây là một tín hiệu đáng mừng do trước đây kim chi của Nhật Bản luôn được giới thiệu tại thị trường địa phương là thực phẩm chức năng, trong khi kim chi của Hàn Quốc lại không được công nhận như vậy

Ngoài thị trường châu Á, các công ty sản xuất thực phẩm Hàn Quốc cũng đang nhắm tới thị trường Mỹ và châu Âu. Do đó, 2 loại kim chi của công ty thực phẩm nổi tiếng Sempio bao gồm kim chi nguyên bản và kim chi nấu chín đã được cải thiện bao bì. Để đem lại sự thuận tiện cũng như bảo vệ các sản phẩm khỏi bị rò rỉ mùi, các sản phẩm đã được đóng gói trong các hộp nhỏ.

Theo một giám đốc tại Sempio, thay vì sử dụng nước sốt cá cơm tạo ra mùi hải sản lên men, công ty đã thay thế bằng nước sốt làm từ các thành phần thực vật để giảm mùi nồng. Do đó, sản phẩm phù hợp với cả những người ăn chay và cả người tiêu dùng chung.

Thêm vào đó, Sempio cũng có kế hoạch mở rộng chỗ đứng của mình ra nước ngoài bằng cách tung ra một bộ sản phẩm nước sốt kim chi gồm tỏi, hành tây, bột ớt đỏ và các thành phần khác. Theo đại diện của công ty, người dùng quốc tế có thể sử dụng bộ sản phẩm này để tự làm kim chi trong khoảng thời gian dưới 10 phút. Động thái này được lấy đà từ những video làm kim chi dưa chuột gây được tiếng vang lớn tại nước ngoài thông qua mạng xã hội Tik Tok.

Ngoài Sempio, tập đoàn thực phẩm khổng lồ Daesang cũng thông báo sẽ bắt đầu sản xuất kim chi thuần chay, kim chi củ cải và dưa chua cùng kim chi trắng tại nhà máy mới được xây dựng ở Los Angeles, Mỹ.

Theo đại diện của tập đoàn, kim chi trắng là sản phẩm không sử dụng hạt tiêu đỏ và do đó có vị nhẹ và ít cay hơn. Mặt khác, sản phẩm kim chi thuần chay lại không bao gồm dầu hào và nước sốt hải sản trong quá trình lên men.

Đọc tiếp