Hy Lạp hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới với các phản ứng trái chiều

luật pháp Hy Lạp
18:28 - 16/02/2024
Hy Lạp là quốc gia Chính thống giáo đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Ảnh: AP
Hy Lạp là quốc gia Chính thống giáo đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/2, Hy Lạp trở thành quốc gia Chính thống giáo đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Theo hãng tin Guardian, Quốc hội Hy Lạp thể hiện sự đồng thuận cao khi dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới nhận được phiếu ủng hộ từ 176 nghị sĩ, 76 phiếu phản đối, 2 phiếu trắng, 46 nghị sĩ không có mặt để bỏ phiếu.

Trong vòng vài phút sau khi cuộc bỏ phiếu được thông qua vào tối ngày 15/2, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis viết trên mạng xã hội X: “Cuộc bỏ phiếu đã được thông qua: tính đến tối nay, Hy Lạp tự hào trở thành quốc gia EU thứ 16 hợp pháp hóa bình đẳng hôn nhân”.

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ông Mitsotakis cũng từng khẳng định “cuộc cải cách mà chúng tôi đang lập pháp ngày hôm nay sẽ giúp cho cuộc sống của một số người tốt hơn nhiều mà không - và tôi nhấn mạnh điều này - lấy đi bất cứ thứ gì khỏi cuộc sống của nhiều người”.

Tuy nhiên, việc thông qua dự luật cũng vấp phải sự phản đối của nhiều người. Trong khi những người ủng hộ mô tả dự luật này là “táo bạo”, những người phản đối, trong đó bao gồm cả nhà thờ Chính thống giáo, khẳng định dự luật này “phản xã hội” và “phi Cơ đốc giáo”.

Các giám mục chính thống đã đe dọa sẽ rút phép thông công các nhà lập pháp đã bỏ phiếu cho dự luật này trong khi lãnh đạo đảng Sparta cực hữu chỉ trích dự luật “mở ra cánh cổng địa ngục và sự trụy lạc”. Cựu thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras – một trong những người phản đối – ngày 15/2 phát biểu trước Quốc hội nước này rằng hôn nhân đồng giới không phải là nhân quyền và dự luật “nguy hiểm” này đáng lẽ không nên được đưa ra.

Ngoài ra, dự luật cũng vấp phải sự chỉ trích từ một số thành viên thuộc cộng đồng LGBTQ+ vì chưa đi đủ xa. Những người này cho biết dự luật vẫn chưa hợp pháp hóa việc các cặp đôi đồng giới được làm cha mẹ thông qua việc mang thai hộ. Dự luật không giúp chấm dứt được sự phân biệt đối xử khi chỉ cho phép phụ nữ độc thân và các cặp đôi dị tính được tiếp cận với hỗ trợ sinh sản cũng như không đủ tích cực trong việc giúp những người thuộc cộng đồng này đối mặt với những lời nói mang tính thù hằn và phân biệt đối xử.

Tin liên quan

Đọc tiếp