IMF: Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tích cực

KINH TẾ THẾ GIỚI
07:45 - 26/07/2023
Trụ sở IMF tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters
Trụ sở IMF tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết kinh tế thế giới thể hiện các dấu hiệu tích cực trong năm 2023, làm gia tăng khả năng tránh được suy thoái toàn cầu nếu các cuộc khủng hoảng bất ngờ không xảy ra.

Theo NYT trích dẫn báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF, tổ chức này nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên 3% từ mức 2,8% trong dự báo hồi tháng 4 trước đó. IMF cũng dự đoán rằng lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ 8,7% vào năm 2022 xuống còn 6,8% vào năm 2023 và 5,2% vào năm 2024 khi lãi suất cao hơn tác động tới khắp thế giới.

Triển vọng tươi sáng hơn phần lớn là do thị trường tài chính vốn gặp khủng hoảng bởi sự sụp đổ của một số ngân hàng lớn ở Mỹ và Châu Âu đã được ổn định trở lại. Một rủi ro tài chính khác được ngăn chặn hồi tháng 6 khi Quốc hội Mỹ thành công nâng giới hạn vay để đảm bảo nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục thanh toán được các hóa đơn đúng hạn và không bị hạ cấp xếp hạng tín dụng.

Những dấu hiệu lạc quan trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF cũng có thể giúp các nhà hoạch định chính sách toàn cầu thêm tin tưởng rằng những nỗ lực kiềm chế lạm phát mà không gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đang có hiệu quả.

Trong bối cảnh các quốc gia như Mỹ tiếp tục vật lộn với lạm phát, IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục tập trung vào việc khôi phục sự ổn định giá cả và tăng cường giám sát tài chính.

Về các nền kinh tế cụ thể, IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP tại Mỹ sụt giảm từ mức 2,1% của năm 2022 xuống 1,8% vào năm 2023 và 1% vào năm 2024. Tiêu thụ vốn là thế mạnh của nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ bắt đầu suy yếu trong những tháng tới khi người Mỹ rút tiền tiết kiệm và lãi suất tăng hơn nữa.

Trong khi đó, tăng trưởng tại khu vực đồng Euro được dự đoán chỉ ở mức 0,9% năm 2023 do sự suy giảm ở Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, trước khi tăng lên 1,5% vào năm 2024.

Vương quốc Anh đã vượt qua được một số kỳ vọng, bao gồm cả kỳ vọng của các nhà kinh tế tại IMF nhưng vẫn phải đối mặt với một loạt các yếu tố kinh tế đầy thách thức như lạm phát dai dẳng. Một phần nguyên nhân tới từ việc thiếu lao động khiến tiền lương bị lên cao trong khi các hộ gia đình ngày càng lo ngại về tác động của lãi suất cao đối với các khoản thế chấp vì lãi suất trả nợ có xu hướng được điều chỉnh sau mỗi vài năm.

Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Sự phục hồi yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - đang đè nặng lên sản lượng toàn cầu. Theo IMF, sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, tiêu dùng yếu và niềm tin của người tiêu dùng ảm đạm là những lý do để lo lắng về triển vọng của Trung Quốc.

Các số liệu chính thức được công bố vào tháng 7 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại rõ rệt so với đầu năm 2023 do xuất khẩu sụt giảm, triển vọng bất động sản u ám và tình trạng nợ của một số chính quyền địa phương.

Trong khi đó, chiến sự tại Ukraine tiếp tục đặt ra các mối đe dọa tới kinh tế thế giới. NYT trích dẫn báo cáo của IMF cho biết: “Cuộc khủng hoảng tại Ukraine có khả năng làm tăng giá lương thực, nhiên liệu và phân bón”. Ngoài ra, việc Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen bị đình chỉ gần đây cũng gây ra mối lo ngại về vấn đề này.

Nhìn chung, IMF nhận định những căng thẳng địa chính trị “có thể góp phần làm tăng thêm sự biến động của giá cả hàng hóa và cản trở sự hợp tác đa phương trong việc cung cấp hàng hóa toàn cầu”.

Tin liên quan

Đọc tiếp