Indonesia là thị trường dễ tính nhưng khó vào

Giao thương Indonesia
17:58 - 13/12/2021
“Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Indonesia” ngày 13/12,
“Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Indonesia” ngày 13/12,
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù chỉ chiếm 2,2% thị phần nhập khẩu của Indonesia nhưng các sản phẩm Việt Nam đang ngày càng quen thuộc và được ưa chuộng. Tuy nhiên đây là thị trường có tính bảo hộ cao, theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia. 

Là nền kinh tế lớn nhất ASEAN và đứng thứ 16 thế giới, Indonesia là một thị trường có tiềm năng lớn nhưng hàng Việt Nam xuất khẩu chỉ đang chiếm một thị phần khiêm tốn.

Tại “Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Indonesia” ngày 13/12, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại, Trưởng thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã đưa ra các khuyến nghị về cách thâm nhập thị trường quốc đảo này.

Thị phần hàng Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Indonesia: 2,2%

Theo ông Phạm Thế Cường, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Indonesia năm 2020 là 304 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 163 tỷ USD và nhập khẩu là 141 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu chính của Indonesia là Trung Quốc (19,4%), Nhật Bản (8,3%), Mỹ (11,4%), Ấn Độ (6,3%), Singapore (6,5%), Hàn Quốc (3,9%), Malaysia (4,9%), Thái Lan (3,1%) và Việt Nam (3,0%).

Các thị trường nhập khẩu chính của Indonesia bao gồm Trung Quốc (28%), Singapore (8,72%), Nhật Bản (7,54%), Thái Lan (4,5%), Mỹ (6,06%), Hàn Quốc (4,8%), Malaysia (4,9%), Úc(3,2%) và Việt Nam (2,2%).

Ông Cường cho biết, Indonesia nhập chủ yếu từ Việt Nam gồm sắt thép các loại (338 triệu USD trong năm 2020), máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (226 triệu USD), hàng dệt may (231 triệu USD), giày các sản phẩm từ giày (59 triệu USD) và gạo (49 triệu USD)...

Ảnh trích xuất hội nghị

Ảnh trích xuất hội nghị

"Tuy vậy nhu cầu nhập khẩu của Indonesia là khá lớn, trong đó nhiều sản phẩm Việt Nam tại đất nước này được ưa chuộng và có lợi thế cạnh tranh cao", ông Cường nói.

"Indonesia thuộc ASEAN nên được hưởng các thuế quan ưu đãi nội khối. Hàng hóa Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình tại thị trường này với giá trị kim ngạch xuất khẩu đang có xu hướng gia tăng", ông Cường nói.

Theo ông Cường, tốc độ tăng trưởng ổn định của nền kinh tế có tới 71% dân số trong độ tuổi lao động là nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu của Indonesia.

Nền kinh tế này đang là sân chơi tiềm năng của các kênh thương mại điện tử và đây chính là yếu tố thị hiếu và xu hướng nổi bật mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam rất nên lưu tâm.

"Tốc độ đô thị hóa nhanh của Indonesia (giai đoạn 2000 - 2020: dân số đô thị tăng từ 55 triệu người lên 154 triệu người) đang làm gia tăng nhu cầu mua sắm tại các siêu thị và sử dụng công nghệ trong việc mua bán", ông Cường cho biết.

Ảnh tác giả

“Các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến xu hướng thay đổi thị hiếu tiêu dùng của Indonesia để từ đó có cách thức thâm nhập thị trường phù hợp thông qua hình thức thương mại điện tử”.

Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia

Giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2020 của Indonesia ghi nhận con số 18,76 tỷ USD với 168,3 triệu người mua sắm và 942 triệu giao dịch. Năm 2021, dự báo giá trị giao dịch có thể đạt tới 25 tỷ USD với 1,3 tỷ giao dịch.

5 sàn giao dịch thương mại điện tử hàng đầu của Indonesia: Tokopedia (148 triệu lượt khách ghé thăm tháng); Shopee (12 triệu lượt); Bukalapak (29,5 triệu); Lazada (27,6 triệu) và Bibli (14,66 triệu).

Ông Cường cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng khai thác đầu mối Việt kiều và các hệ thống doanh nghiệp Việt Nam tại Indonesia để tiếp cận các nhà phân phối nội địa, hướng tới hệ thống các siêu thị lớn như Hypermart (113 điểm cửa hàng); Carefour Transmart (110 điểm); Lotte Mart (46): Superindo (157 điểm); Food Mart (40 điểm); Hero (32 điểm); Food Hall (26 điểm): Ranch Market (14 điểm).

Dưới góc độ của một doanh nghiệp đang hoạt động trực tiếp tại Indonesia, ông Thái Thanh Long, Chủ tịch Câu lạc bộ Việt Nam tại Indonesia, Tổng giám đốc Công ty PT.Indonesia Teknologi Baru cho biết, Indonesia rất ưa chuộng các sản phẩm “made in Việt Nam”.

Ảnh tác giả

“Người dân Indonesia có cảm nhận tốt và rất ưa chuộng với những sản phẩm sản xuất từ Việt Nam, đặc biệt văn hóa cà phê “phin” Việt Nam đang trở thành xu hướng thưởng thức cà phê mới nổi của thị trường này”.

Ông Thái Thanh Long, Chủ tịch Câu lạc bộ Việt Nam tại Indonesia.

Theo ông Long, các doanh nghiệp Indonesia thường ưu tiên giao dịch với các doanh nghiệp Việt Nam do có sự hỗ trợ công nợ và họ sẵn sàng trả giá thành cao hơn với các đối tác có hình thức thanh toán này.

Ngoài ra, Chủ tịch Câu lạc bộ Việt Nam tại Indonesia cũng lưu ý một số thông tin về nhu cầu thị trường Indonesia.

“Vì phần đông người Indonesia theo đạo Hồi nên họ không ăn thịt heo, bù lại họ tiêu thụ nhiều thịt gà và ăn vặt nhiều, tiêu biểu là khoai tây, ngô, khoai lang để chế biến snack. Các doanh nghiệp Việt Nam nên ‘đánh mạnh’ vào các mặt hàng này”, ông Long nói.

Theo ông Long, nhu cầu của Indonesia đối với hoa quả Việt Nam là khá lớn vì có lợi thế cạnh tranh, hương vị thơm ngon. Trong các chuỗi siêu thị, Indonesia nhập khẩu nhiều hoa quả Việt Nam như nhãn, vải, dừa, sầu riêng, thanh long đỏ.

Ông Long cũng cập nhật các thông tin chính sách mới ngành nông sản mà chính phủ Indonesia đang áp dụng như khuyến khích phát triển sản phẩm trong nước, hạn chế nhập khẩu sản phẩm nguyên phẩm.

Cơ cấu hàng hóa của Indonesia là tương đối tương đồng với sản phẩm của Việt Nam.

Cơ cấu hàng hóa của Indonesia là tương đối tương đồng với sản phẩm của Việt Nam.

Thị trường dễ tính nhưng có tính bảo hộ cao

Phân tích về những thuận lợi của Việt Nam tại thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường chia sẻ, Việt Nam có khá nhiều thuận lợi bởi đây là một thị trường dễ tính hơn so với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Khoảng cách địa lý gần giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa, đặc biệt là khi đã có kết nối đường bay thẳng từ Việt Nam sang Indonesia qua hai hãng Vietnam Airline và Vietjet Air.

Tuy nhiên, cơ hội rộng mở nhưng không miễn phí và doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Indonesia, một thị trường có tính bảo hộ cao.

Indonesia có yêu cầu nghiêm ngặt về hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu, chứng nhận Hatai (phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp) và thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

“Cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI, liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan Việt Nam trong trường hợp Indonesia khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan tới sản phẩm của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Cường khuyến cáo.

Với đặc điểm là quốc gia có nhiều đảo, địa hình chia cắt sẽ làm gia tăng chi phí logistics hàng hóa. Tình trạng nhũng nhiễu tại các cơ quan hữu quan cũng có thể gây nhiều trở ngại cho nhập khẩu hàng hóa.

Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến yếu tố cạnh tranh với hàng hóa các nước ASEAN khác khi tiếp cận thị trường Indonesia, nhất là khi cơ cấu hàng hóa nhóm hàng nông, thủy sản của Indonesia là tương đối tương đồng với sản phẩm của Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng đưa ra các cảnh báo về lừa đảo, tranh chấp thương mại mà các doanh nghiệp Việt Nam cần cảnh giác khi thấy đối tác có các biểu hiện như: việc đàm phán giả cả, hợp đồng diễn ra quá nhanh chóng; ít đàm phán mặc cả, chấp nhận giá cao; không cung cấp hoặc cung cấp giấy tờ pháp lý doanh nghiệp dưới nhiều pháp nhân khác nhau.

Các điều cần lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch tại Indonesia:

Trước khi ký hợp đồng đặt cọc hợp đồng: yêu cầu đối tác Indonesia phải cung cấp chứng nhận/số đăng ký kinh doanh (số NIB) và mã số thuế (TIN).

Thực hiện thẩm tra đối tác thông qua cơ quan Thương vụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, các Hiệp hội của Indonesia, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam.

Không chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân, có các điều khoản hợp đồng chặt chẽ, đặc biệt các điều khoản bảo vệ quyền lợi, của mình phải có điều khoản về xử lý tranh chấp, khiếu nại.

(Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia)

Tin liên quan

Đọc tiếp