Lạm phát tại Mỹ cao kỷ lục trong 40 năm

LẠM PHÁT MỸ
17:37 - 13/01/2022
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Nền kinh tế Mỹ và Chính phủ của Tổng thống Joe Biden đang đứng trước mối đe dọa lớn khi tỷ lệ lạm phát gia tăng với tốc độ kỷ lục trong 40 năm, làm tăng chi phí hộ gia đình và gây ảnh hưởng đến tiền lương của nhiều người.

Mức tăng giá nhà ở cho thuê tại Mỹ trong tháng 12 là 0,4%, đánh dấu việc tăng liên tục 3 tháng liên tiếp. Hôm 12/1, Bộ Lao động nước này báo cáo thang đo lạm phát không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng trong tháng 12 đã tăng tới 5,5%.

Mức tăng này cũng là mức cao nhất trong nhiều thập kỷ vừa qua. Trong tháng trước, tỷ lệ lạm phát tổng thể tăng 0,5% so với tháng 11. Kể từ đầu những năm 1980, nước Mỹ đã không phải chứng kiến bất cứ điều gì tương tự. Vào thời điểm đó, Chủ tịch FED Paul Volcker đã phản ứng lại bằng cách đưa mức lãi suất lên cao kỷ lục 20% và đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái sâu.

Sự tăng giá đang ảnh hưởng nhiều tới người tiêu dùng từ việc mua sắm đồ tạp hóa cho đến mua xăng. Các gia đình thu nhập thấp sẽ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Vicki Bernardo Hill, 65 tuổi, một nhà trị liệu nghề nghiệp ở Gaithersburg, Maryland, cho biết bà không còn mua thêm thức ăn đóng hộp, ngũ cốc hoặc bánh ngọt vào giỏ hàng của mình khi mua sắm tại Giant Food như trước nữa. Giờ đây, bà chỉ có thể mua sắm những mặt hàng được giảm giá và mua đúng những gì mình cần mua.

Hơn nữa, bà cũng phải chi thêm 5.000 USD để mua một chiếc xe Mazda mới do không thể tìm được một mức giá tốt cho một chiếc xe đã qua sử dụng.

Các doanh nghiệp lớn và nhỏ thì đều phải học cách thích nghi với tình trạng này. Nicole Pomije, một chủ tiệm bánh ở khu vực Minneapolis, cho biết cô có kế hoạch tăng giá bánh quy vì chi phí nguyên liệu tăng cao.

Những chiếc bánh quy cơ bản của cô vốn có giá 99 xu mỗi chiếc, trong khi các phiên bản cao cấp hơn được bán với giá 1,5 USD một chiếc. Nhưng với tình hình hiện tại, Pomjie có thể sẽ phải tăng giá bánh quy cơ bản lên mức giá của phiên bản cao cấp. Điều này có khả năng sẽ khiến cô mất khách hàng, nhưng “chúng tôi cũng phải kiếm tiền”.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động thì phải tăng lương cho nhân viên. Dù vậy, sự tăng giá của hàng hóa và dịch vụ đã làm xói mòn đi bất cứ lợi ích gì từ mức thu nhập gia tăng của nhiều người Mỹ. Trong các cuộc khảo sát, lạm phát thậm chí còn thay thế cả Covid-19 như là mối quan tâm hàng đầu của công chúng.

Giá nhiên liệu tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 7 năm. Ảnh: Sky News

Giá nhiên liệu tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 7 năm. Ảnh: Sky News

James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính ING, nhận định áp lực lạm phát của Mỹ không hề có dấu hiệu giảm bớt. Ông bổ sung: “Tỷ lệ chưa từng đạt mức cao thế này kể từ thời Tổng thống Reagan. Chúng ta có thể đang ở gần đỉnh xu hướng, nhưng rủi ro vẫn là lạm phát sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài''.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định mức lạm phát sẽ không thể quay trở lại như trước đại dịch trong tương lai gần. Ngoài ra, còn một xu hướng mà các chuyên gia cũng cảm thấy lo ngại là vòng xoáy giá cả - tiền lương. Điều này xảy ra khi người lao động mong muốn tiền lương cao hơn để bù đắp chi phí gia tăng, và các công ty tăng chi phí hơn nữa để bù đắp cho mức lương gia tăng đó.

Tuy vậy hôm 11/1, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell trả lời Thượng viện rằng hiện chưa có bằng chứng cho thấy tiền lương đang làm tăng giá trên toàn bộ nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới lạm phát là cung và cầu không đi đôi với nhau. Tình trạng thiếu linh kiện bán dẫn đã khiến các nhà sản xuất ô tô không thể cung cấp đủ ô tô mới và do đó, giá ô tô đã qua sử dụng tăng tới 37%. Những hạn chế trong chuỗi cung ứng cũng đã khiến giá đồ nội thất cao hơn gần 14% trong năm 2021.

Nhằm giải quyết tình trạng lạm phát, FED sẵn sàng thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn và đẩy nhanh việc tăng lãi suất. Dự kiến trong năm nay, mức lãi suất ngắn hạn chuẩn đang ở mức gần 0 sẽ được tăng ít nhất 3 lần. Sau khi tăng, việc vay mua nhà và xe sẽ trở nên đắt hơn và nền kinh tế có thể được hạ nhiệt.

Tuy nhiên một số nhà kinh tế và các thành viên của Quốc hội lại lo ngại rằng các biện pháp của FED quá chậm chạp trong việc ngăn chặn lạm phát. Điều này rất có thể sẽ dẫn tới các đợt tăng lãi suất còn mạnh hơn và có thể gây hại tới nền kinh tế.

Lạm phát cũng có thể giảm bớt một khi làn sóng Omicron giảm dần và người Mỹ có thể chuyển sang chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ như du lịch, ăn uống và xem phim. Nhu cầu hàng hóa từ đó sẽ được giảm bớt và chuỗi cung ứng sẽ được khơi thông trở lại. Tuy nhiên sự tăng giá ở một số khu vực như nhà ở cho thuê có lẽ sẽ còn kéo dài nữa.

Tin liên quan

Đọc tiếp