Lương tăng nhanh có thể khiến FED nâng lãi suất quyết liệt hơn

LÃI SUẤT MỸ
20:52 - 08/02/2022
Ảnh: Adobe Images
Ảnh: Adobe Images
0:00 / 0:00
0:00
Tiền lương gia tăng vẫn luôn là một điều tốt ở bất cứ đâu. Tuy nhiên quá nhiều "điều tốt" này lại được cho là sẽ đẩy lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng với tốc độ nhanh hơn nữa.

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ được công bố cuối tuần trước, thu nhập trung bình theo giờ tăng 0,7% trong tháng 1 và hiện đang tăng ở mức trung bình 5,7% trong 12 tháng qua. Ngoại trừ khoảng thời gian 2 tháng hồi đầu đại dịch, đây là mức gia tăng nhanh nhất từ trước đến nay kể từ tháng 3/2007.

Tiền lương cho người lao động không chỉ tăng ở một số lĩnh vực cụ thể mà đang tăng lên đối với hầu hết mọi tầng lớp thu nhập trong xã hội. Kể cả những lĩnh vực như giải trí và khách sạn – những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, mức thu nhập của người lao động tại đây tăng tới 13%. Những người lao động làm trong lĩnh vực tài chính thì ghi nhận mức lương tăng 4,8% trong khi con số này tại lĩnh vực thương mại bán lẻ là 7,1 %.

Dù đây là một tin vui đối với người lao động, nó lại đặt ra một thách thức nữa đối với FED – cơ quan vốn đang bị coi là ngày càng tụt hậu về mặt chính sách nhằm bắt kịp tốc độ lạm phát nhanh nhất trong gần 40 năm qua tại Mỹ.

Hồi tháng 9/2020, FED đã thông qua cách tiếp cận mới với chính sách tiền tệ khi cơ quan này cho biết sẵn sàng để lạm phát tăng cao hơn mục tiêu 2% nhằm đạt được lợi ích toàn dụng lao động. FED gọi mục tiêu này là mục tiêu lạm phát trung bình linh hoạt. Tuy nhiên với tỷ lệ lạm phát đạt mức 7% so với cùng kỳ năm ngoái và thị trường lao động ảm đạm, cơ quan này hiện đang trong tình thế phải bắt kịp thị trường.

Ngày 7/2, Ethan Harris, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Bank of America (BofA) cho biết ông cảm thấy lo lắng rằng nguyên do thúc đẩy lương tăng không phải là một vài trường hợp ngoại lệ. Ông chia sẻ: “Nếu tôi là chủ tịch FED, tôi sẽ tăng lãi suất sớm vào mùa thu. Khi thị trường ghi nhận mức tăng trên diện rộng và nó đang bắt đầu ảnh hưởng đến tiền lương, điều này có nghĩa là chúng ta đang bị chậm hơn và chúng ta cần bắt đầu hành động ngay lập tức”.

Bank of America cũng như ông Harris đều đã đưa ra lời kêu gọi quyết liệt nhất tới FED từ Phố Wall trong năm nay. Các nhà kinh tế tại ngân hàng này đưa ra dự đoán lãi suất phần trăm theo quý của năm 2022 sẽ trải qua 7 đợt gia tăng, theo sau đó là 4 đợt tăng khác vào năm sau. Dù kịch bản này chỉ có 18% khả năng xảy ra, ông Harris cho biết ông vẫn sẽ giữ nguyên lập trường về lời kêu gọi của mình.

Ông Harris nhận định: “Điểm mấu chốt của toàn bộ cách tiếp cận này và lời kêu gọi tăng lãi suất 7 lần của chúng tôi là vì nền kinh tế không những đã đạt được các mục tiêu của FED mà còn đang nhanh chóng vượt qua ngưỡng được cho phép”.

Ethan Harris, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Bank of America. Ảnh: US Department State

Ethan Harris, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Bank of America. Ảnh: US Department State

Một ngân hàng khác là Goldman Sachs thì coi sự gia tăng trong mức lương này là một phần của xu hướng “nghỉ việc hàng loạt” tại Mỹ. Cụ thể, thuật ngữ này dùng để chỉ tốc độ rời bỏ công việc của mọi người đạt mức nhanh nhất từ năm 2001. Theo Bộ Lao động nước này, nếu tính cả năm 2021 thì người lao động đã thay đổi hoặc rời bỏ công việc tới 47,4 triệu lần.

Các nhà kinh tế Joseph Briggs và David Mericle của Goldman nhận định: “Sự nghỉ việc hàng loạt bao gồm hai xu hướng khác nhau nhưng có mối liên hệ với nhau: hàng triệu công nhân rời bỏ lực lượng lao động và hàng triệu người khác bỏ việc để tìm cơ hội tốt hơn với mức lương cao hơn”. Chính những xu hướng này đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng tiền lương tới một tốc độ khiến triển vọng lạm phát trở nên ngày càng đáng lo ngại.

Tuy Goldman Sachs cho rằng tăng trưởng tiền lương sẽ chậm lại trong năm nay, tốc độ chỉ giảm một chút ở mức khoảng 5% trong cả năm. Khác với dự đoán 7 lần tăng lãi suất của BoA, hãng chỉ dự kiến 4 lần tăng lãi suất trong năm 2022. Các nhà kinh tế này cũng bổ sung thêm việc chi phí lao động tăng nhanh hơn mức tương thích với mục tiêu lạm phát 2% của FED có khả năng khiến Ủy ban Hội đồng mở Liên bang (FOMC) tiếp tục xu hướng gia tăng và tạo ra các phản ứng quyết liệt hơn.

Phản ứng lại với các dự đoán, nhiều thị trường đã từ từ gia tăng dự đoán lên 5 lần nâng lãi suất, đồng thời vẫn để ngỏ khả năng tăng nhiều lần hơn với tốc độ nhanh hơn. Trong khi các nhà giao dịch gần như chắc chắn về một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 3, khả năng FED tăng tới 50 điểm cơ bản cũng đạt gần 30%.

Ông Harris cũng đồng ý rằng tăng 50 điểm cơ bản sẽ là một động thái hợp lý dù nó không phù hợp với cách tiếp cận “khiêm tốn” mà chủ tịch FED Jerome Powell đã tán thành hồi tháng 1. Ông không nghĩ việc tăng lãi suất sẽ gây hại tới nền kinh tế. Tuy nhiên, điều kiện đi kèm là FED thể hiện rõ chính sách này là nhằm kiểm soát lạm phát chứ không phải ngăn chặn tăng trưởng. Chu kỳ này có khả năng sẽ giống như động thái từ năm 2000 tới 2009 của FED khi cơ quan này thiết lập 17 đợt tăng nhằm hạ nhiệt thị trường nhà đất.

Tin liên quan

Đọc tiếp