Muốn sản phẩm OCOP vào được siêu thị thì phải ‘xếp lốt’

OCOP Tiêu thụ
13:39 - 27/10/2022
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Phản ánh của HTX chăn nuôi bò sữa Ba Vì cho biết, sản phẩm OCOP muốn vào siêu thị thì phải bỏ ra trung bình vài chục triệu đồng cho một sản phẩm, điều này gây thêm trở ngại khi các HTX vốn đã khó tiếp cận nguồn vốn.

Chương trình OCOP đã giúp khu vực nông thôn phát triển nhóm sản phẩm hàng Việt đặc thù, nhưng việc tiêu thụ lại không hề dễ dàng. Điều này dẫn đến yêu cầu cần xây dựng mỗi liên kết giữa nhà sản xuất, các Hợp tác xã (HTX) với doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống siêu thị.

Tại diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng: Tăng tốc phát triển kinh tế, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và hợp tác xã”, ngày 26/10, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa Ba Vì cho biết, sản xuất nông nghiệp hiện nay đang phải phụ thuộc nhiều vào thương lái.

“Đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 4 sao trở lên đã được Chi cục trưởng Thú y Hà Nội khẳng định khi vào siêu thị sẽ có không gian riêng. Nhưng muốn sản phẩm vào được siêu thị thì các HTX đang phải mất khá nhiều tiền 'xếp lốt'”, ông Hùng phản ánh.

Ảnh tác giả

Đơn vị tôi có 29 dòng sản phẩm sữa, tiền lốt phải mất đến 1 tỷ đồng. Những HTX như chúng tôi, trong 3 - 6 tháng không bán được hàng với chi phí bỏ ra như vậy sẽ phải gồng lỗ rất nặng. Trong khi đó, vốn HTX đã khó khăn khi vay vốn ngân hàng, chỉ vay được các quỹ hỗ trợ nhưng giới hạn ít.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa Ba Vì

Một bất cập khác được ông Hùng nêu ra là vấn đề thanh toán trong các siêu thị kéo dài 45 ngày/lần, khâu quay vòng vốn của HTX vì thế trở nên khó khăn.

“HTX bao lâu này bị cho là manh mún, chậm phát triển, chúng tôi đã cố gắng hoàn thiện sản phẩm, nhất là từ khi có Luật Hợp tác xã 2012 thì nhiều HTX đã phát triển như một doanh nghiệp nhưng vẫn bị nhìn nhận là lạc hậu, nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp. Điều đó xuất phát từ khâu khó nhất là tiêu thụ sản phẩm, vì vậy các HTX rất mong muốn được tạo điều kiện hơn nữa về tiêu thụ. Có đầu ra ổn định thì mới yên tâm có động lực phát triển được”, đại diện HTX Chăn nuôi bò sữa Ba Vì bày tỏ nguyện vọng.

Tiếng nói từ các siêu thị

Cùng tham gia trao đổi với các HTX tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc thu mua hệ thống Go/Big C cho biết, hệ thống phân phối thường nói với nhau câu chuyện hãy bán những gì khách hàng cần chứ đừng bán những gì nhà sản xuất có.

Theo bà Phương, Big C/Go có rất nhiều nhà cung ứng nên việc lựa chọn sản phẩm nào phải có các quy chuẩn đặc thù khác biệt, mang tính cạnh tranh trên thị trường. Có những HTX giới thiệu 20 – 30 mã sản phẩm nhưng không hề khác biệt gì so với sản phẩm bán ngoài chợ về cả chất lượng và mẫu mã thì siêu thị cũng không thể lựa chọn.

Ảnh tác giả

"Một vấn đề rất khó làm việc với các HTX là duy trì chất lượng sản phẩm lâu dài. Nếu HTX mang đến 1 quả cam và cam kết sẽ cung cấp sản phẩm này quanh năm với chất lượng đảm bảo thì chắc chắn HTX đó sẽ nằm trong danh sách ưu tiên nhập hàng của chúng tôi”.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc thu mua hệ thống Go/Big C

Từ vướng mắc đó, bà Phương chia sẻ, siêu thị gây dựng thương hiệu bao năm nhưng HTX đôi khi vì lý do này vì lý do kia đã thiếu cam kết duy trì chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến cả thương hiệu của siêu thị và cả phía HTX. “Hiện nay Go/Big C đang làm việc rất tốt với nhiều HTX, tiêu biểu như một đơn vị HTX ở Sơn La đang có sản lượng tiêu thụ lớn không kém gì các doanh nghiệp. Vậy vấn đề đâu phải đến từ mình siêu thị”, bà Nguyễn Thị Mai Phương nhận định.

Một ý kiến khác đến từ ông Kiều Song Hào, đại diện siêu thị Mega Market Việt Nam cho biết, siêu thị này vẫn đang có các chương trình hỗ trợ cùng bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm.

“Tôi khẳng định là trong Mega Market có kệ riêng cho sản phẩm OCOP. Mỗi quầy kệ trưng bày chỉ thu phí 10 triệu đồng là phí duy trì hàng hóa và không có giá đến tỷ đồng tiền xếp lốt”, ông Hào khẳng định.

Hạ tầng thương mại chưa tương thích

Lắng nghe phản ánh của HTX tại diễn đàn, ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, vấn đề ở đây là các trung tâm thương mại, các sản phẩm nông sản phát triển nhiều nhưng hạ tầng thương mại chưa tương thích. Trong khi đó, các trung tâm thương mại đã góp phần lớn vào quảng bá, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

Hệ thống phân phối nông sản phần lớn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công thương có nhiều trăn trở về mối quan hệ giữa chủ siêu thị và các HTX, đây là quy luật thị trường, cân đối cung – cầu, nhu cầu nhà tiêu thụ và nhà sản xuất.

Ảnh tác giả

"Bộ Công Thương chú trọng việc đáp ứng khả năng cung cầu thương mại nông sản và kiến nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đến xây dựng hạ tầng thương mại, có các chính sách khuyến khích tập đoàn doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối, đổi mới thương mại theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp".

Ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước

Tuy nhiên, theo ông Trung, phía nhà sản xuất cũng cần đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, lương tâm và trách nhiệm nâng cao hơn bao giờ hết để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Đưa ra một gợi ý cho các nhà sản xuất khi hạ tầng thương mại còn hạn chế cũng như là hướng đi cần thiết nghĩ tới, ông Trung cho rằng, thương mại điện tử cũng là một gợi ý cho các nhà sản xuất. Điều này đã được chứng minh trong thời gian Covid - 19, nhiều nông sản vẫn được tiêu thụ tốt.

“Vụ Thị trường trong nước sẽ đánh giá lại việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Dương Thái Trung cho biết.

Tin liên quan

Đọc tiếp