Mỹ công bố gói viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
08:36 - 13/03/2024
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Ảnh: ABC News
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Ảnh: ABC News
0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố một gói viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine trị giá lên tới 300 triệu USD. Đây là nỗ lực mới nhất của Nhà Trắng, trong bối cảnh nguồn viện trợ bổ sung cho Kiev vẫn đang bị mắc kẹt tại Quốc hội.

Theo CNN, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã công bố gói viện trợ này trong cuộc họp giao ban tại Nhà Trắng vào chiều 12/3 (giờ địa phương).

“Trong khi quân Nga tiến lên và khai hỏa, thì Ukraine lại không có đủ đạn dược để bắn trả. Họ đang phải trả giá bằng mạng sống. Và điều đó đang khiến chúng tôi - Mỹ và NATO phải trả giá về mặt chiến lược,” ông Sullivan nói.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết lô hàng này sẽ bao gồm tên lửa phòng không Stinger, đạn bổ sung cho hệ thống HIMARS, đạn pháo 155 mm, đạn chùm cải tiến có chất nổ cao và mục đích kép, đạn pháo 105 mm, súng chống tăng AT4, đạn bổ sung cho vũ khí cá nhân, súng phá hủy chướng ngại vật, phụ tùng thay thế, bảo trì và các thiết bị phụ trợ khác.

Ông Ryder cho biết gói viện trợ mới nhất cho Ukraine được thông qua nhờ khoản tiết kiệm của Lầu Năm Góc. “Đây có thể là tình huống xảy ra một lần và không phải là cách tài trợ bền vững cho Kiev,” ông này nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Sullivan cảnh báo rằng gói viện trợ quân sự mới sẽ chỉ cung cấp đủ đạn dược cho Ukraine trong vòng vài tuần. “Gói này không thể ngăn Ukraine cạn kiệt đạn dược trong những tuần tới. Gói này cũng không thể thay thế và không giúp trì hoãn nhu cầu quan trọng là thông qua dự luật an ninh của lưỡng đảng,” quan chức Nhà Trắng này nói.

Lần gần nhất, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD cho Ukraine vào cuối tháng 12/2023. Vào thời điểm đó, Lầu Năm Góc cho biết trong một lá thư gửi Quốc hội rằng Bộ Quốc phòng “sẽ cạn kiệt nguồn tài trợ dành để hỗ trợ an ninh Kiev” sau khi gói hỗ trợ này được công bố.

Cho đến nay, Hạ viện Mỹ vẫn đang tranh luận về việc bỏ phiếu cho dự luật cung cấp thêm 60 tỷ USD cho Ukraine. Gói này trước đó đã được Thượng viện Mỹ thông qua.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tháng 1, khi được CNN hỏi liệu Kiev có sự lựa chọn nào khác trong trường hợp viện trợ của Washington không đến kịp hay không, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trả lời rằng Kiev chỉ có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh. “Chúng tôi không có kế hoạch B. Chúng tôi tin tưởng vào kế hoạch A,” ông nhấn mạnh.

Đến tháng 2, quân đội Nga tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố Avdiivka ở miền đông Ukraine sau nhiều tháng giao tranh, buộc quân đội Ukraine phải rút lui khỏi các vị trí. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi đó cho rằng đây chính là hậu quả của việc thiếu vũ khí và đạn dược từ phương Tây.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần chỉ trích các chuyến hàng vũ khí của phương Tây, cho rằng điều này sẽ chỉ khiến cuộc chiến kéo dài và không có tác dụng ngăn chặn Moscow thực hiện các mục tiêu quân sự.

Tin liên quan

Đọc tiếp