New Zealand muốn các mạng xã hội trả phí cho cơ quan báo chí

truyền thông New Zealand
19:35 - 05/12/2022
New Zealand muốn các mạng xã hội trả phí cho cơ quan báo chí
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ New Zealand đang tìm cách yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ trả tiền cho các cơ quan báo chí nếu muốn hiển thị, chia sẻ tin tức trên nền tảng xã hội của mình.

Chính phủ New Zealand sẽ ban hành luật mới, yêu cầu các công ty công nghệ lớn như Google và Meta trả tiền cho các cơ quan báo chí, công ty truyền thông ở nước này nếu muốn hiển thị, đăng tải hay chia sẻ tin tức lên nền tảng.

Đạo luật này sẽ được biểu quyết tại phiên họp Quốc hội và khả năng cao sẽ được thông qua. Theo đó, các công ty công nghệ lớn sẽ có từ 3-6 tháng trước khi buộc phải thực hiện các biện pháp tuân thủ đạo luật.

Reuters đưa tin ngày 5/12, Bộ trưởng Bộ Phát thanh Truyền hình New Zealand Willie Jackson cho biết: "Báo chí New Zealand, đặc biệt là những tờ báo địa phương nhỏ lẻ, đang gặp khó trong việc duy trì nguồn tài chính vì các nhà quảng cáo dần chuyển sang nền tảng trực tuyến. Do đó, những bên được lợi từ các bài báo, thông tin của các cơ quan báo chí, công ty truyền thông phải trả tiền cho họ".

Thời gian gần đây, các độc giả tại New Zealand có xu hướng lựa chọn xem tin tức miễn phí trực tuyến trên Facebook, Google. Cùng với đó, các bài báo cũng xuất hiện tràn lan trên kết quả tìm kiếm hay mạng xã hội thay vì trang báo chính thức.

"Thật không công bằng khi những nền tảng trực tuyến như Google và Meta lại hiển thị và chia sẻ tin tức của chúng tôi miễn phí", Bộ trưởng Willie Jackson nói.

Bà Sinead Boucher, Giám đốc điều hành tập đoàn truyền thông Stuff cũng bày tỏ sự đồng tình với dự luật của chính phủ. "Các nền tảng mạng xã hội đã sử dụng miễn phí những nội dung báo chí để đạt được quyền lực và quy mô phát triển như hiện nay. Họ đã chiếm phần lớn thị trường quảng cáo trực tuyến, gây áp lực rất lớn cho ngành báo chí, truyền thông trong nước. Chúng tôi muốn các cơ quan báo chí cũng được hưởng một phần lợi từ các nền tảng đã sử dụng nội dung của mình, giúp họ đầu tư và nâng cao phát triển lĩnh vực báo chí”.

Tuy nhiên, về phía các nền tảng trực tuyến Facebook và Google cho rằng, các cơ quan báo chí cũng được hưởng lợi bằng cách chia sẻ liên kết bài báo trên trang hay các hội nhóm để gia tăng lưu lượng truy cập đến trang web của mình, theo The Wall Street Journal.

Động thái này của Chính phủ New Zealand được cho là dựa trên luật tương tự ở Australia và Canada. Năm 2021, Australia đã thông qua một dự luật, yêu cầu các công ty công nghệ phải thoả thuận với công ty truyền thông nước này để trả tiền nếu hiển thị, sử dụng thông tin của các trang báo này trên các nền tảng mạng xã hội, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng điều luật này cho các nền tảng trên Internet.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.