Nga tuyên bố theo dõi sát sao nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine

ukraine NATO
15:26 - 04/10/2022
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov
0:00 / 0:00
0:00
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 3/10 cho biết Nga đang theo dõi chặt chẽ nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng ý định gia nhập liên minh này của Kiev là một trong những lý do dẫn tới cuộc xung đột hiện nay. 

“Chúng tôi đang theo dõi quyết định này một cách rất chặt chẽ. Và chúng tôi nhớ rằng nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine và việc xác nhận Ukraine trở thành thành viên của liên minh này trong tương lai vốn là một trong những lý do của chiến dịch quân sự đặc biệt”, TASS dẫn tuyên bố của ông Peskov.

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng lưu ý rằng các nước thành viên NATO đang đưa ra những phản ứng khác nhau trước tuyên bố muốn gia nhập của Ukraine. "Có những quốc gia ủng hộ phương án gia nhập cấp tốc, nhưng có những quốc gia thì lại không. Trong mọi trường hợp, họ đều phải tính tới quy tắc đồng thuận", ông Peskov nhận định.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Thủ tướng Denys Shmyhal và Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk chụp ảnh cùng đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Thủ tướng Denys Shmyhal và Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk chụp ảnh cùng đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO. Ảnh: Reuters

Hôm 30/9, Tổng thống Ukraine cho biết đã ký đơn xin gia nhập NATO và nhấn mạnh "đây là bước đi mang tính quyết định". Ông kêu gọi NATO cần đẩy nhanh quy trình xét duyệt vì Kiev đã " đã thể hiện năng lực của mình phù hợp với tiêu chuẩn của liên minh”.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Kiev được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào lãnh thổ.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ tỏ ra thận trọng trước đề nghị này của Ukraine. Tư cách thành viên NATO của Ukraine từ lâu đã là "vấn đề hóc búa" đối với Washington. Khi gia nhập NATO, các nước thành viên sẽ được bảo vệ dựa trên Điều 5 của chính sách phòng thủ tập thể - quy định rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào một thành viên liên minh sẽ là cuộc tấn công vào tất cả, dẫn tới phản ứng chung của khối.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 30/9 cho rằng, Washington cam kết duy trì chính sách mở cửa với các nước muốn gia nhập NATO. Tuy nhiên, việc Ukraine gia nhập NATO "nên được xem xét vào thời điểm khác".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: NBC News

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: NBC News

"Hiện tại, theo quan điểm của chúng tôi, cách tốt nhất để chúng tôi hỗ trợ Ukraine là thông qua sự hỗ trợ trên thực địa ở Ukraine", ông Sullivan nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng nhấn mạnh rằng, quyết định hành kết nạp thành viên mới vào liên minh thực sự là vấn đề cần phải có sự đồng thuận của cả 30 quốc gia thành viên.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenber cam kết ủng hộ "kiên định" đối với Ukraine, nhưng khẳng định điều đó không khiến NATO trở thành một phần bên trong cuộc xung đột với Nga.

Hôm 2/10, lãnh đạo 9 nước NATO gồm Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Lithuania, Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia – tương ứng 1/3 lượng thành viên NATO, tuyên bố chung ủng hộ nguyện vọng gia nhập liên minh của Ukraine, đồng thời kêu gọi tăng viện trợ quân sự cho nước này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenber tại cuộc họp báo ở Brussel, Bỉ, tháng 12/2021. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenber tại cuộc họp báo ở Brussel, Bỉ, tháng 12/2021. Ảnh: AFP

Ukraine từ lâu vốn đã theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) và đưa mục tiêu trở thành thành viên NATO vào Hiến pháp năm 2019. Dù chưa được chính thức kết nạp vào liên minh, nhưng có hơn 50 quốc gia đã tham gia vào "nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine". NATO cũng cam kết sẽ giúp Ukraine "chiến thắng" trong cuộc xung đột với Nga.

Tuy nhiên, động thái này của Kiev vấp phải những cảnh báo của Moscow rằng khả năng NATO triển khai lực lượng và vũ khí ở biên giới sẽ tạo thành "mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được". Từ trước khi chiến sự nổ ra, Moscow đã nhiều lần yêu cầu phương Tây phải đảm bảo sự ràng buộc về mặt pháp lý để Ukraine không bao giờ được gia nhập vào NATO. Đồng thời Nga muốn Ukraine cam kết trung lập, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự.

Tin liên quan

Đọc tiếp