Những kỳ vọng của kinh tế Singapore trong năm 2022

KINH TẾ SINGAPORE
16:02 - 21/12/2021
Ảnh: Bộ Giao thông Singapore
Ảnh: Bộ Giao thông Singapore
0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc năm 2021, Singapore bước vào năm mới được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng chậm hơn với những thay đổi về chính sách tái mở cửa, lạm phát, chính sách thuế và những thay đổi trong thị trường bất động sản.

Một năm trước, Singapore chào đón năm 2021 với hy vọng điều tồi tệ nhất của đại dịch đã qua. Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố “ánh sáng cuối đường hầm” đã xuất hiện khi quốc gia này bắt đầu phát động chiến dịch tiêm vaccine đầu tiên cho toàn dân.

Nhưng sau đó, dù là một trong những nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới, Singapore vẫn hứng chịu các ảnh hưởng tiêu cực của các biến thể cùng đợt bùng dịch tồi tệ nhất từ trước tới giờ. Tới cuối năm 2021, biến thể mới Omicron tiếp tục làm dấy lên những mối lo ngại về tái thiết lập giãn cách xã hội dù chính phủ vẫn đang tiếp tục mở cửa đất nước.

Đồng thời, những thách thức mới như sự gia tăng lạm phát và trì trệ trong tốc độ phục hồi kinh tế sẽ khiến sự chú ý tập trung vào phản ứng của các nhà hoạch định chính sách Singapore. Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi các chính sách kinh tế nhằm giải quyết những thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng thu nhập. Trên cơ sở đó, họ có thể đưa ra đánh giá liệu những chính sách này có tác động như thế nào đến danh tiếng thân thiện với doanh nghiệp của quốc đảo này.

Tái mở cửa

Việc chuyển đối sang chiến lược sống chung với dịch của Singapore đang không thể diễn ra thuận lợi. Vào quý III năm nay, số ca nhiễm tăng vọt đã khiến các nhà chức trách phải tái thiết lập các hạn chế di chuyển tại địa phương. Hơn nữa, sự xuất hiện của omicron trong khoảng thời gian gần đây buộc giới chức nước này phải ngừng mở rộng các đường bay vaccine tới các trung tâm khác như Dubai.

Theo Selena Ling, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ tại ngân hàng OCBC, biến chủng Omicron “chắc chắn sẽ gây cản trở cho các kế hoạch mở cửa trở lại” trong khi các biện pháp kiểm soát biên giới “góp phần gây ra tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Theo Bộ Thương mại Singapore, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này được dự đoán sẽ chậm lại, xuống còn 3% -5% trong 2022 thay vì mức 7% trong năm nay. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế vẫn giữ thái độ lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Singapore khi số ca nhiễm bắt đầu giảm dần.

Trong một báo cáo của tháng 12, các chuyên gia kinh tế của Nomura nhận định rằng các lĩnh vực dễ bị tổn thương như du lịch và hàng không đang dần thấy được những khởi sắc nhất định và có thể bắt nhịp trở lại. Thêm vào đó, các chuyên gia này còn bổ sung rằng sản xuất điện tử và dược phẩm, vốn không bị ảnh hưởng bởi sự trì trệ kinh tế toàn cầu, có thể tiếp tục trợ lực cho nền kinh tế Singapore.

Sự gia tăng các vị trí tuyển dụng cho thấy triển vọng việc làm mạnh mẽ khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 1,9% vào năm 2022. Con số này thậm chí còn thấp hơn mức trước đại dịch là 2,2%.

Du khách Australia nhập cảnh vào Singapore thông qua hành lang VTL tại sân bay Changi. Ảnh: Reuters

Du khách Australia nhập cảnh vào Singapore thông qua hành lang VTL tại sân bay Changi. Ảnh: Reuters

Lạm phát

Singapore đã chứng kiến một trong những sự tăng giá tồi tệ nhất khi sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến giá lương thực và chi phí điện tại đây leo thang. Là một trung tâm thương mại của thế giới, quốc gia này có khả năng sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các quốc gia khác.

Hầu hết các chuyên gia đều kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ một lần nữa vào cuộc họp tháng 4 năm 2022 do lạm phát cơ bản đạt mức cao nhất trong hơn hai năm trở lại đây vào tháng 11 vừa qua. Trước khi việc điều chỉnh diễn ra, lạm phát toàn phần cũng được dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm tới.

Tuy nhiên, mức độ quyết liệt với các chính sách tiền tệ của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Vào tháng 10, Singapore đã gây ngạc nhiên khi quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ và tuyên bố “sẵn sàng hành động” để chống lại rủi ro lạm phát hơn nữa.

Theo Faiz Nagutha, Nhà kinh tế ASEAN tại Bank of America Securities, MAS được kì vọng sẽ tăng biên độ tỉ giá lên 1% mỗi năm thay vì mức 0,5% như hiện tại. Nếu lạm phát tăng nhanh hơn nữa, ông không loại trừ khả năng con số này tăng lên 1,5% - mức dự báo cơ bản của Goldman Sachs.

Bất động sản

Bất động sản từ lâu đã trở thành chủ đề được người dân Singapore quan tâm. Với những hoạt động mạnh mẽ trong năm nay, vào giữa tháng 12 vừa qua các nhà hoạch định chính sách của Singapore đã phải ban bố các chính sách nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản.

Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng cho thấy nhiều dấu hiệu sẽ đẩy nhanh việc tăng lãi suất trong năm tới, một động thái có thể khiến lãi suất trên toàn cầu tăng theo. Trong bối cảnh này, ngày càng có nhiều người lo ngại về những ảnh hưởng lên người đi vay. Christine Sun, Phó chủ tịch cấp cao của bộ phận nghiên cứu và phân tích tại OrangeTee & Tie cho biết các yêu cầu mới như thuế trước bạ bổ sung đối với căn nhà thứ hai có thể được nhắm vào những người mua dư dả tài chính để mua bất động sản tư nhân.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại có cái nhìn khác nhau đối với mức độ ảnh hưởng tới thị trường của những chính sách này.

Bà Christine Sun dự báo giá nhà ở tư nhân sẽ tăng “với tốc độ chậm hơn nhiều” vào năm 2022, trong khoảng 0% -3%. Trong khi đó Alan Cheong, giám đốc điều hành nghiên cứu của Savills Plc, thì lại có góc nhìn khác. Ông nhận định các biện pháp mới có thể hạn chế việc bất động sản tư nhân được mua bởi người nước ngoài nhưng "không có khả năng có bất kỳ tác động đáng kể nào" đến nhu cầu trong nước.

Ông Cheong vẫn kỳ vọng giá nhà ở tư nhân tại Singapore sẽ tăng 7% trong năm tới. Nguyên nhân do “niềm tin rằng bất động sản là hàng rào chống lại lạm phát” có thể đồng nghĩa với việc chính lạm phát tăng lại trở thành động lực thúc đẩy cho nhu cầu.

Nhà ở công cộng tại Singapore.
Nhà ở công cộng tại Singapore.

Thuế

Sau 2 năm thâm hụt do đại dịch gây ra, những người theo dõi sẽ quan sát ngân sách năm 2022 của Singapore vào tháng 2 để biết bất kỳ động thái nào nhắm vào người giàu và tăng doanh thu để củng cố tài chính của đất nước.

Trong một báo cáo vào tháng 12. các chuyên gia kinh tế Kit Wei Zheng và Ang Kai Wei của Citigroup nhận định: “Chính sách tài khóa sẽ ưu tiên việc quay trở lại tình trạng cân bằng ngân sách và điều này có thể dẫn tới một loạt các đợt tăng thuế”.

Các nhà kinh tế của Citigroup cho biết việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ được chính phủ dự kiến xảy ra vào năm 2025, có thể sẽ được thực hiện vào tháng 7/2022. Cùng với đó, thuế tài sản đánh vào tài sản hiện có cũng có thể sẽ được ban hành để “giảm bớt tác động chính trị”. Cách tiếp cận như vậy sẽ tránh làm tổn hại đến “ngành quản lý tài sản quan trọng” và khả năng cạnh tranh của Singapore, đồng thời nhắm vào “các dạng tài sản bất động”.

Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cấp cao về Châu Á mới nổi tại Natixis SA tin rằng chính phủ sẽ “hành động khá thận trọng” trong khi thúc đẩy sự phục hồi. Bà cho rằng việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) có thể sẽ bị trì hoãn vì nó sẽ “đẩy lạm phát lên cao hơn”.

Về các mục tiêu dài hạn như chống lại biến đổi khi hậu, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong đã cam kết thông báo tăng thuế carbon cho năm 2024 trong ngân sách của năm tới. Mặt khác, các quan chức của Singapore đã tham khảo ý kiến các doanh nghiệp lớn về các thay đổi về thuế, tuy nhiên Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định việc tìm ra một cách hiệu quả để đánh thuế tài sản là “không hề dễ dàng”.

Tin liên quan

Đọc tiếp