Những 'ông lớn' công nghệ đang bị điều tra tại châu Âu

apple google
07:00 - 26/03/2024
Ảnh minh họa: Theo Mashable.
Ảnh minh họa: Theo Mashable.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban châu Âu (EC) vừa tiến hành mở cuộc điều tra kéo dài 12 tháng đối với các tập đoàn công nghệ lớn gồm Apple, Google và Meta, nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, cởi mở hơn cho người dùng.

Ngày 25/3, EC đã mở cuộc điều tra đối với Apple, Google và Meta nhằm xem xét khả năng vi phạm quy định trong Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA).

"Chúng tôi nghi ngờ rằng các giải pháp, dịch vụ được đề xuất bởi 3 công ty Apple, Google và Meta không tuân thủ đầy đủ Đạo luật Thị trường kỹ thuật số. Bây giờ chúng tôi sẽ điều tra việc tuân thủ DMA của các công ty để đảm bảo thị trường kỹ thuật số mở và có tính cạnh tranh ở châu Âu".

Bà Margrethe Vestager - Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu phụ trách các vấn đề kỹ thuật số

Theo Reuters, Ủy ban châu Âu cho rằng các biện pháp mà những công ty công nghệ trên áp dụng đến nay chưa tuân thủ hiệu quả các quy định của đạo luật DMA. Cơ quan này lập luận, Google và Apple đang áp đặt những hạn chế và giới hạn cho các nhà phát triển ứng dụng khác như việc tính phí để phân phối các ứng dụng bên ngoài nhằm ngăn chặn các ứng dụng này xuất hiện trong danh mục miễn phí.

Cùng với đó, màn hình lựa chọn trình duyệt của Apple cũng đang được điều tra, cũng như tùy chọn "trả tiền hoặc đồng ý" của Meta để người dùng trả phí hằng tháng cho các phiên bản Facebook hoặc Instagram không có quảng cáo có vi phạm chính sách sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng không.

Không như các cuộc điều tra kéo dài nhiều năm trước đây, đạo luật mới yêu cầu các cơ quan quản lý hoàn thành mọi cuộc điều tra trong vòng 12 tháng.

Đây được xem là cuộc điều tra đầu tiên được triển khai theo đạo luật DMA có hiệu lực từ ngày 6/3 vừa qua. Đạo luật DMA cấm các công ty công nghệ kết hợp dữ liệu cá nhân từ các dịch vụ khác nhau của mình, cũng như sử dụng dữ liệu thu thập được từ các bên bán hàng thứ ba để cạnh tranh.

Mục đích của đạo luật DMA là ngăn chặn các hành vi vi phạm luật chống độc quyền để đảm bảo các tập đoàn lớn công nghệ không thể "bóp méo" sự cạnh tranh trên các thị trường mới.

Theo quy định mới, Ủy ban châu Âu có thể áp dụng mức phạt lên đến 10% tổng doanh thu toàn cầu của một công ty nếu không tuân thủ các quy định trong đạo luật DMA. Con số này có thể tăng lên 20% đối với trường hợp tái phạm, thậm chí bị cấm hoạt động trong khối.

Về phía Google, ông Oliver Bethell, Giám đốc cạnh tranh của Google cho biết, thời gian qua công ty đã có những thay đổi đáng kể trong cách vận hành các dịch vụ kỹ thuật số ở châu Âu và sẽ tiếp tục bảo vệ cách tiếp cận của hãng trong thời gian tới. Còn Apple bày tỏ rằng, công ty hoàn toàn tuân thủ theo đạo luật mới.

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.