Nông sản Việt không thể trông chờ 'giải cứu' ở thị trường EU

XUẤT KHẨU eu
07:35 - 24/01/2022
EU yêu cầu cắt giảm việc sử dụng hóa chất, kiểm soát tốt truy xuất nguồn gốc của nông sản nhập khẩu. Ảnh: Internet
EU yêu cầu cắt giảm việc sử dụng hóa chất, kiểm soát tốt truy xuất nguồn gốc của nông sản nhập khẩu. Ảnh: Internet
0:00 / 0:00
0:00
Các đại diện thương mại Việt Nam tại châu Âu nhận định, nông sản Việt đang ngày có nhiều cơ hội tại thị trường EU. Tuy nhiên muốn tận dụng được tối đa cơ hội tại thị trường này, Việt Nam không thể có cách tiếp cận coi EU là nơi giải cứu nông sản theo vụ mùa.

Theo Bộ Công Thương, nhờ tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu nông sản sang EU trong năm 2021 đã tăng trưởng tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam (cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Với kết quả này, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất nước ta, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.

Cà phê là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang EU, khi đạt 939 triệu USD trong 11 tháng 2021, tăng 0,5% so với cùng kỳ 2020. EU cũng đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 34,8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Xuất khẩu hạt điều sang EU trong 11 tháng 2021 đạt 122.000 tấn, tương đương 734 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Trong 11 tháng 2021, xuất khẩu cao su sang EU đạt khoảng 100.000 tấn, tương đương 175 triệu USD, tăng 33,7% về lượng và tăng mạnh 72,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu rau quả đạt 173 triệu USD, tăng 7,6%.

Xuất khẩu hạt tiêu đạt khoảng 40.000 tấn, tương đương 165 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và tăng mạnh 63,9% về trị giá; xuất khẩu gạo đạt khoảng 54.000 tấn, tương đương 38 triệu USD, chỉ tăng 0,8% về lượng nhưng tăng tới 21,6% về trị giá; xuất khẩu chè đạt khoảng 3 triệu USD, tăng 21,6%.

Những con số tăng trưởng tích cực bất chấp dịch COVID-19 năm 2021 nói trên đang mang lại dự báo đầy triển vọng cho xuất khẩu nông sản sang thị trường EU trong năm 2022.

Chia sẻ với Tạp chí Mekong Asean về những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lưu ý trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, đây là thị trường hơn 500 triệu dân, có thu nhập cao, trong đó có một bộ phận không nhỏ là người châu Á. Do đó khả năng tiêu thụ nông sản Việt tại đây tương đối lớn.

Điểm quan trọng nữa là Việt Nam là một trong số ít nước ở khu vực châu Á có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Do vậy lợi thế cạnh tranh tương đối rõ nét. Với Hiệp định EVFTA, các nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ lực sang EU sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh với các ưu đãi thuế quan.

Ông Quân cũng cho biết, nông sản của Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và người dân EU. Đồng thời các sản phẩm này đang trở thành một trong những lựa chọn của EU trong chiến lượng da đạng hóa thị trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do vậy, trong năm 2022, cơ hội hợp tác giữa hai bên là rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Quân, nông sản Việt Nam xuất khẩu cũng nên lưu ý về những thách thức trong thời gian tới. Bởi EU là thị trường mục tiêu của nhiều nước, do vậy, sự cạnh tranh trên thị trường này là rất khốc liệt.

Đặc biệt ông Quân nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt cần sớm loại bỏ cách tiếp cận coi EU là nơi có thể giải cứu nông sản khi vào vụ mùa có sản lượng lớn, hoặc khi xảy ra tình huống không thể xuất khẩu, tiêu thụ ở các thị trường khác.

Ảnh tác giả

“EU không phải thị trường giải cứu nông sản, các doanh nghiệp cần hình thành thói quen làm ăn bài bản, lâu dài để tận dụng được những cơ hội từ thị trường tiềm năng này”.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, EU

Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp, ông Quân cho rằng, doanh nghiệp cần phải có phương thức kinh doanh bài bản, lâu dài. EU không phải là thị trường giải cứu cho Việt Nam, không phải là thị trường làm ăn theo từng vụ. Để vào được EU cần phải có kế hoạch kinh doanh với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuẩn, hồ sơ phải đầy đủ để truy xuất, xây dựng uy tín và quan hệ lâu dài với các đối tác EU.

Một trong những điều kiện để nông sản Việt Nam vào được các chuỗi cung ứng EU là hàng trong kho phải đáp ứng từ 3 - 6 tháng với chất lượng đồng đều. Hàng Việt Nam cung ứng vào EU thường theo lô, ít có doanh nghiệp nhập khẩu có hàng lưu kho từ 3 - 6 tháng do vậy thường xảy ra tình trạng cung ứng hàng hóa thiếu liên tục, thiếu liên kết.

Bên cạnh đó, để tiếp cận các chuỗi phân phối thì cần tiềm lực rất lớn để có thể cung ứng liên tục đơn hàng lớn. Do vậy, ông Quân cho rằng, liên kết để tạo ra chuỗi xuất khẩu thành công là rất cần thiết.

Theo Tham tán Quân, Việt Nam có ưu thế về lao động, nhưng ở xa EU nên việc cạnh tranh cần tập trung cả ở chất lượng và giá cả. Thách thức lớn nhất của Việt Nam là quản lý tốt truy xuất nguồn gốc và chất lượng ổn định do thiếu vùng nguyên liệu tập trung xuất khẩu vào EU.

Ảnh tác giả

“Các doanh nghiệp cần chú ý đến quản lý chất lượng trong toàn chuỗi sản xuất của mình. Một số lô hàng đã tiếp cận được thị trường EU nhưng do vấn đề chất lượng hàng hóa nên đã bị thu hồi. Có những lô hàng được sản xuất đúng quy trình nhưng không quản lý được chất lượng của nguyên liệu, phụ gia do bạn hàng cung cấp nên cũng bị cảnh báo”.

Ông Trần Ngọc Quân

Ngoài ra, theo Tham tán Quân, EU đang hướng đến một nền kinh tế ngày càng xanh, nên sẽ yêu cầu các nước cũng phải dần cải thiện môi trường. Trong tương lai, khi EU áp dụng Green Deal với quy định biên giới các bon, chiến lược "farm to fork" mới với các yêu cầu cắt giảm việc sử dụng hóa chất, kiểm soát tốt truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy mạnh phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Thách thức tiếp theo mà ông Quân đề cập đến là công tác bảo quản hàng hóa. Để thực hiện tốt việc lưu thông, vận chuyển, việc bảo quản hàng hóa tốt sẽ có vai trò quan trọng trong chiến lược về giá, nhất là hàng rau quả tươi.

Hiện tại, bảo quản hàng hóa của Việt Nam còn cần phải quan tâm hơn, hàng rau qua sang Eu chỉ có thể giữ được chất lượng ít hơn thời gian của nước khác nên khó đi đường biển, khó trong tiếp thị, giá thành cao hơn.

“Thời kỳ dịch COVID-19 cũng mở ra một cơ hội mới cho thương mại điện tử và là cơ hội để xuất khẩu với tên của chính mình. Do vậy đây cũng có thể là hướng đi mới cho hàng hóa Việt Nam”, Tham tán Trần Ngọc Quân gợi mở.

Ưu đãi thuế quan từ EVFTA cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào EU

Cà phê: Có 93% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Hạt điều: Sản phẩm chế biến sâu được giảm thuế xuống còn 0%.

Cao su: Các loại ống ghép nối bằng cao su và lốp cao su được miễn thuế ngay lập tức từ mức 3% - 4,5%; băng tải, băng truyền, hoặc đai tải bằng cao su sẽ được giảm theo kỳ hạn 5 năm từ 6,5%.

Rau quả: 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…) được xoá bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Hạt tiêu: Sản phẩm mã HS 0904 được xóa bỏ thuế quan về 0%

Gạo: Ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).

Chè: Được xóa bỏ thuế quan về 0%

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.