Phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hoá dân tộc

CHÍNH SÁCH dân tộc
21:56 - 06/10/2023
Hỗ trợ nghệ nhân người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận. Ảnh: Thu Thảo
Hỗ trợ nghệ nhân người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận. Ảnh: Thu Thảo
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân nhân dân là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 1.000.000 đồng/ngày trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống cho thế hệ kế cận.

Bạn đọc Thùy Linh ở Yên Bái hỏi: Xin hỏi hiện có chương trình nào hỗ trợ những nghệ nhân góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số không?

Trả lời:

Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, hướng tới mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong đó, quy định rõ về mức hỗ trợ đối với Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN.

Nội dung hỗ trợ

1. Đối với hoạt động truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số: việc chi mua vật tư, nguyên vật liệu thực hành, thuê trang thiết bị, dụng cụ, đạo cụ, nhạc cụ phục vụ hoạt động truyền dạy văn hóa phi vật thể do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quyết định trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

2. Hỗ trợ tổ chức thi đấu thực nghiệm các môn thể thao dân tộc áp dụng theo mức chi các giải thi đấu thể thao trong nước quy định tại Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao.

3. Hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận: Hỗ trợ nghệ nhân ưu tú 800.000 đồng/ngày, nghệ nhân nhân dân 1.000.000 đồng/ngày.

Chi thù lao cho nghệ nhân, người thực hành (am hiểu về văn hóa truyền thống, có khả năng hướng dẫn, truyền dạy trong cộng đồng) tham gia hướng dẫn, tập huấn, truyền dạy: 300.000 đồng/người/buổi. Số ngày hỗ trợ theo quyết định của cơ quan được giao nhiệm vụ và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (nếu có); đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

4. Tổ chức Ngày hội, Giao lưu, Liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số:

Hỗ trợ kinh phí tổ chức Ngày hội, Giao lưu, Liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 3666/QĐ-BVHTTDL ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030” và theo kế hoạch, đề án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Nội dung, mức chi tổ chức Ngày hội, Giao lưu, Liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 55/2023/TT-BTC; quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về tiêu chí, tiêu chuẩn; nội dung, quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số; chi phí thực tế phát sinh theo các hợp đồng, hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

5. Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các dân tộc thiểu số trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số.

Mức hỗ trợ cho các địa phương đăng cai tổ chức các cuộc thi đấu thể thao truyền thống từ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách trung ương đối với cuộc thi cấp huyện: tối đa 200 triệu đồng/cuộc; cuộc thi cấp tỉnh: tối đa 400 triệu đồng/cuộc; cuộc thi cấp quốc gia: tối đa 1.000 triệu đồng/cuộc.

6. Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/tủ sách trong giai đoạn 2021-2025.

7. Hỗ trợ chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.

8. Hỗ trợ trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Mức hỗ trợ theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền; tối đa 30 triệu đồng/Nhà văn hóa hoặc khu thể thao cấp thôn.

Yên Bái bảo tồn, gìn giữ điệu xòe Thái

Màn trình diễn đại xòe tạo hình hoa ban, loài hoa đặc trưng của người dân tộc Thái. Ảnh: Thu Thảo
Màn trình diễn đại xòe tạo hình hoa ban, loài hoa đặc trưng của người dân tộc Thái. Ảnh: Thu Thảo

Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hoá phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp), Di sản "Nghệ thuật Xòe Thái" của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những năm qua, để bảo tồn, gìn giữ và phát triển những điệu xòe Thái, tỉnh Yên Bái đã chú trọng mở các lớp truyền dạy thông qua mạng lưới bảo tồn, các nghệ nhân, những người am hiểu về xòe Thái; thành lập các đội văn nghệ nòng cốt, các đội văn nghệ dân gian để duy trì hoạt động xòe Thái trong cộng đồng; tổ chức các hoạt động biểu diễn xòe Thái phục vụ khách du lịch homestay ở các bản văn hóa; biểu diễn tại lễ hội của địa phương, sự kiện văn hóa truyền thống tầm cỡ như: Lễ hội Xên đông, Rằm tháng Giêng, lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò…. phục vụ khách du lịch.

Đặc biệt, tại thị xã Nghĩa Lộ, phòng Giáo dục thị xã đã đưa nghệ thuật xòe Thái vào một loạt các hoạt động trong trường học. Cụ thể: 100% các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS tổ chức múa xòe vào giờ giải lao giữa giờ; đối với các trường có đông người dân tộc Thái, các nhà trường đã đưa nghệ thuật xòe Thái vào các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm nhằm truyền dạy rộng rãi nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.