Phillips cắt giảm 4.000 việc làm do doanh thu sụt giảm mạnh

Phillips Hà Lan
18:14 - 24/10/2022
Phillips sẽ cắt giảm 5% nhân viên và tái tổ chức nhân lực do doanh thu sụt giảm mạnh. Ảnh: Reuters
Phillips sẽ cắt giảm 5% nhân viên và tái tổ chức nhân lực do doanh thu sụt giảm mạnh. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc điều hành mới của Philips công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 4.000 việc làm vào 24/10, sau khi doanh số bán hàng giảm và sau một đợt thu hồi lớn đã làm giảm khoảng 70% giá trị thị trường của nhà sản xuất thiết bị y tế Hà Lan trong năm qua.

Do các lo ngại suy thoái kinh tế và lợi nhuận bán hàng suy giảm, giám đốc điều hành mới của tập đoàn điện tử đa quốc gia Phillips là Roy Jakobs hôm 24/10 tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 4.000 việc làm trong một nỗ lực đơn giản hóa cơ cấu công ty.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, CEO Roy Jakobs cho biết việc sa thải nhân viên hàng loạt này là một quyết định “đáng tiếc nhưng cần thiết”. Việc sa thải nhân viên sẽ chủ yếu tập trung tại Mỹ và Hà Lan và sẽ tập trung vào các lĩnh vực có doanh số sụt giảm.

Việc cắt giảm chỉ chiếm hơn 5% lực lượng lao động của công ty dựa trên tổng số 78.000 người của năm 2021. Sau khi sa thải, tập đoàn dự đoán chi phí tái tổ chức sẽ rơi vào khoảng 295,41 triệu USD trong những quý tới.

Khi nói tới nguyên nhân, ông cho biết tập đoàn cần phải tính toán kỹ lưỡng cơ sở cho các chi phí của mình để có thể duy trì tính cạnh tranh và hỗ trợ cho lợi nhuận.

Doanh số bán hàng của Phillips trong nhiều tháng vừa qua liên tục sụt giảm. Một trong các thị trường chính của Phillips là Trung Quốc đang chứng kiến nhu cầu chậm lại trong khi thị trường Tây Âu cũng đang trải qua hiện tượng tương tự do lạm phát.

Trên hết, các vấn đề chuỗi cung ứng cũng khiến các cảnh báo lợi nhuận vào ngày 12 tháng 10 thêm u ám. Trong quý 3/2022, doanh thu của tập đoàn so với cùng kỳ năm ngoái giảm 6% xuống 4,2 tỷ USD và được dự đoán sẽ tiếp tục đè nặng lên doanh số bán hàng trong những tháng cuối năm 2022.

Trong khi đó, ông Jakobs cùng công ty cũng đang phải nỗ lực giải quyết hậu quả của việc thu hồi máy thở tốn kém của mình. Việc này cũng là nguyên do khiến giá trị thị trường của tập đoàn giảm tới 70% trong năm qua.

Cụ thể, Philips đã mất khoảng 29,4 tỷ USD giá trị thị trường kể từ khi hãng gây sốc cho các nhà đầu tư vào tháng 6 năm ngoái khi thu hồi 5,5 triệu máy thở dùng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ. Nguyên nhân thu hồi là do lo ngại bọt được sử dụng trong máy có thể trở nên độc hại. Tiếp tới trong quý 3 vừa qua, tập đoàn tiếp tục phải chịu khoản lỗ ròng 1,27 tỷ USD do sụt giảm doanh thu mảng kinh doanh chăm sóc giấc ngủ và hô hấp.

Trước mắt, tập đoàn đang đàm phán với Bộ Tư pháp Mỹ về một giải pháp sau khi thu hồi. Theo Reuters trích dẫn ông Jakobs, ưu tiên hàng đầu của công ty hiện tại là phục hồi danh tiếng bằng cách đảm bảo việc thu hồi được hoàn thành càng sớm càng tốt. Đồng thời, Phillips cũng sẽ tập trung giải quyết các vấn đề của chuỗi cung ứng, đặc biệt là sự thiếu hụt các thành phần như vi mạch.

Đọc tiếp