Singapore cân nhắc tăng thuế để bổ sung nguồn thu

THUẾ SINGAPORE
20:57 - 11/01/2022
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm tìm cách tăng doanh thu sau khi khi chi tiêu nhiều cho đại dịch Covid-19, chính phủ Singapore đang cân nhắc việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ, một động thái có thể sẽ trở thành ví dụ điển hình cho các quốc gia châu Á khác.

Khi nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi trở lại, các chuyên gia nhận thấy khả năng ngày càng cao chính quyền Singapore sẽ sớm thực hiện việc tăng thuế như đã lên kế hoạch từ năm 2018. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đã nhiều lần ám chỉ điều này trong thông điệp năm mới gần đây của mình.

Trong lúc bàn về 7% thuế GST (thuế hàng hóa và dịch vụ) hiện tại, ông cho biết: "Trong bối cảnh hiện tại khi nền kinh tế đang phục hồi từ Covid-19, đã đến lúc chúng ta phải hành động”.

Trong một báo cáo tháng 10 năm ngoái, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng nhận định cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra sự suy thoái đáng kể trong tài chính công. Do đó, một khi quá trình phục hồi bắt đầu tiến triển thuận lợi, các chính phủ cần phải xem xét lại các chính sách về thuế và chi tiêu.

Từ mức 5% ban đầu, thuế GST của Singapore đã tăng lên mức 7% từ tháng 7/2007. Trong năm tài chính 2020, nguồn thuế này chiếm khoảng 15% doanh thu hoạt động của chính phủ và trở thành nguồn thu lớn thứ ba sau thuế thu nhập doanh nghiệp (21%) và thuế thu nhập cá nhân (20%).

Tới năm 2018, chính phủ Singapore đã tuyên bố sẽ nâng tỷ lệ này lên 9% trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2025. Ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, quốc gia này đã gặp phải nhiều vấn đề, đặc biệt là về việc hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe đang đối mặt với gánh nặng ngày càng tăng của dân số già. Trong năm 2021, tỷ lệ công dân và người thường trú từ 65 tuổi trở lên chiếm tới 16% tổng dân số, tăng so với mức 9% của năm 2010.

Cũng vào năm 2021, chính phủ đã phải ngừng hoạt động do áp lực kinh tế của COVID-19. Tuy nhiên, cơn sóng đang thay đổi, với điều kiện là biến thể Omicron hoặc một chủng mới khác không gây ra trở ngại lớn. GDP năm ngoái tăng trở lại 7,2% theo dữ liệu sơ bộ được công bố gần đây. Đối với tầm nhìn cho năm 2022, Singapore dự kiến tăng trưởng sẽ đạt mức 3% đến 5%.

Yeo Kai Eng, chuyên gia tại EY, Singapore nhận định không có thời điểm nào là thời điểm hoàn hảo để tăng thuế. Tuy nhiên, với việc dân số thích nghi và sống chung với COVID-19 cũng như việc nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, đây có lẽ là thời điểm thích hợp để tăng thuế GST.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Singapore PMO

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Singapore PMO

Theo ông Eugene Tan, phó giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, vẫn còn các yếu tố khác thúc đẩy chính phủ tăng thuế GST ngoài sự phục hồi kinh tế. Các yếu tố này bao gồm nhu cầu cắt giảm thâm hụt ngân sách và cung cấp nguồn thu lớn hơn cho đóng góp thuế GST.

Từ quan điểm chính trị, ông Tan nhận định năm 2022 "có khả năng là cửa sổ cuối cùng để sớm tăng thuế". Nguyên nhân là do sẽ có một cuộc bầu cử diễn ra vào năm tới. Sau đó, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo – dự kiến được tổ chức vào năm 2025 - có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2024.

Nếu việc tăng thuế diễn ra vào năm 2023 và 2024, vấn đề này sẽ tồn tại trong các chiến dịch tranh cử và đó là điều mà chính phủ không mong muốn. Các nhóm đối lập của Singapore, những bên đã đạt được thành tích chưa từng có trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, đều phản đối việc tăng thuế GST.

Ngay cả khi chính phủ tăng thuế, việc này cũng cần được xử lý cẩn thận với các biện pháp nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của nó.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc tăng thuế có thể khiến nền kinh tế hạ nhiệt, đặc biệt là khi lạm phát vẫn tiếp diễn và tâm lý người tiêu dùng đang yếu. Sung Eun Jung, nhà kinh tế tại Oxford Economics, cho biết: “Việc tăng thuế GST theo kế hoạch sẽ gây thêm áp lực giá và làm giảm sự thúc đẩy tiêu dùng từ nhu cầu bị dồn nén”.

Do đó để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực, chính phủ đã dành ra 4,4 tỷ USD để hỗ trợ các hộ gia đình. Trong 5 năm tới, mỗi người trưởng thành tại Singapore sẽ nhận được khoản thanh toán bằng tiền mặt từ 517 USD đến 1182 USD.

Tuy nhiên, cả hai chuyên gia Tan và Yeo của EY đều đồng ý với khả năng chính phủ sẽ tăng thuế GST theo từng giai đoạn thay vì tăng cùng lúc 2 điểm phần trăm. Mức thuế có thể sẽ được nâng lên tỷ lệ 8% trước. Điều này sẽ giúp chính phủ có thể đưa ra các đánh giá thích hợp. Nếu nền kinh tế vững mạnh, mức thuế 9% có thể được đưa ra ngay trong năm tiếp theo. Tuy nhiên nếu tình trạng không được khả quan, mức tăng thuế 1% sẽ được dời đến một thời điểm khác.

Tương tự, các chính phủ trên khắp thế giới cũng đang bắt đầu xem xét kỹ hơn việc tăng thuế. Nước láng giềng của Singapore là Indonesia đang có kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng lên 11% từ mức 10% hiện tại vào tháng 4 năm nay. Tại các nước phương Tây thì Anh là quốc gia dẫn đầu khi công bố về việc tăng thuế trả lương và thuế cổ tức vào tháng 9/2021. Động thái này nhằm giúp quốc gia trang trải các chi phí liên quan đến đại dịch Covid-19.

Tại thời điểm đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson chia sẻ: “Sẽ là sai lầm nếu tôi nói rằng chúng ta có thể chi trả cho sự phục hồi mà không cần đưa ra các quyết định khó khăn nhưng có trách nhiệm”. Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng thay đổi này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4 năm nay.

Đọc tiếp