Sri Lanka hoàn thành thỏa thuận nhận hỗ trợ 2,9 tỷ USD từ IMF

Nợ Sri Lanka
16:41 - 08/03/2023
Logo của IMF tại Hội nghị Thường niên Ngân hàng Thế giới - Quỹ Tiền tệ Quốc tế 2018 tại Nusa Dua, Bali, Indonesia. Ảnh: Reuters
Logo của IMF tại Hội nghị Thường niên Ngân hàng Thế giới - Quỹ Tiền tệ Quốc tế 2018 tại Nusa Dua, Bali, Indonesia. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi nhận được hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc, quốc gia đang khủng hoảng Sri Lanka dự kiến sẽ ký kết một gói cứu trợ 4 năm trị giá 2,9 tỷ USD đã được chờ đợi từ lâu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 20/3 tới.

Hôm 7/3, IMF cùng chính phủ Sri Lanka đều xác nhận rằng quốc gia này đã nhận được sự đảm bảo từ tất cả các chủ nợ song phương lớn của mình, đặc biệt là Trung Quốc. Trước đó hồi cuối tháng 1, tất cả những bế tắc của Sri Lanka đã được giải quyết sau một lá thư được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EXIM) gửi tới chính phủ nước này.

Reuters trích dẫn bức thư cho biết EXIM Bank đã cho phép Sri Lanka hoãn nợ trong hai năm, đồng thời đưa ra cam kết hỗ trợ các nỗ lực của nước này để đảm bảo khoản vay 2,9 tỷ USD từ IMF. Cụ thể, EXIM Bank cho biết sẽ “gia hạn nghĩa vụ nợ đến hạn năm 2022 và 2023” dựa trên yêu cầu của Sri Lanka và nước này sẽ "không phải trả nợ gốc và lãi đến hạn của các khoản vay ngân hàng trong khoảng thời gian nêu trên".

Theo dữ liệu của IMF, đến cuối năm 2020, Sri Lanka nợ EXIM 2,83 tỷ USD, tương đương 3,5% nợ nước ngoài.

Đây là một bước quan trọng để triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính và là thời điểm quan trọng đối với đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập năm 1948.

Theo Reuters trích dẫn lời Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói trước Quốc hội, có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang cải thiện nhưng vẫn chưa có đủ ngoại tệ cho tất cả hàng nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận của IMF đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các chủ nợ khác có thể bắt đầu giải ngân.

Ông Wickremesinghe cho biết chính phủ Sri Lanka đã hoàn thành tất cả những hành động cần thiết theo yêu cầu của IMF, đồng thời cho biết ông cùng thống đốc Ngân hàng trung ương Sri Lanka đã gửi một lá thư bày tỏ ý định tới IMF.

Nhận định về những bước tiến này, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva hôm 7/3 chia sẻ: "Tôi hoan nghênh những tiến bộ mà chính quyền Sri Lanka đã đạt được trong việc thực hiện các hành động chính sách quyết đoán và nhận được sự đảm bảo tài chính từ tất cả các chủ nợ lớn của họ, bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ và Club de Paris".

Club de Paris là một nhóm không chính thức của 22 quốc gia chủ nợ. Những nước này đều là những nước có nền kinh tế lớn, giàu có, mức độ tín nhiệm cao và tiềm lực tài chính lớn mạnh bậc nhất trên thế giới và chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay nợ để tái thiết đất nước, nợ ân hạn hoặc hoãn nợ, xoá nợ cho các nước mắc nợ khó trả.

Ngay sau thông báo trên, đồng rupee của Sri Lanka tăng tới 7,8% lên mức cao nhất trong 10 tháng trong khi cổ phiếu đóng cửa ở mức cao hơn 2%.

Do Trung Quốc cùng các quốc gia phương Tây xung đột về cách cung cấp các khoản hỗ trợ giảm nợ, Sri Lanka đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc đảm bảo các gói cứu trợ của IMF. Nước này đã chờ khoảng 187 ngày để hoàn tất gói cứu trợ sau khi đạt được thỏa thuận sơ bộ.

Đây là một con số cao hơn hẳn so với thời gian trung bình là 55 ngày mà các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải mất trong thập kỷ qua để đi từ thỏa thuận sơ bộ đến khi ký kết, theo dữ liệu do Reuters tổng hợp.

Tính đến cuối năm 2022, Sri Lanka nợ các bên cho vay Trung Quốc 7,4 tỷ USD, tương đương gần 1/5 khoản nợ công nước ngoài, theo tính toán của Sáng kiến Nghiên cứu Châu Phi Trung Quốc. Cùng với các khoản nợ Ấn Độ và một số quốc gia khác, Sri Lanka sẽ cần trả trung bình 6 tỷ USD/năm cho tới năm 2029 và sẽ phải tiếp tục hợp tác với IMF.

Tin liên quan

Đọc tiếp