TCM lãi hơn 221 tỷ đồng sau 9 tháng, đang nhận đơn hàng cho quý I/2023

Dệt May Việt nAM
15:53 - 21/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù tình hình kinh doanh ngành dệt may được đánh giá sẽ kém khả quan vào giai đoạn cuối năm, nhưng Dệt may Thành Công (TCM) vẫn ghi nhận lãi lớn trong quý III với hơn 92 tỷ đồng, hiện đang nhận đơn hàng cho quý I năm sau.

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

Theo đó, tại quý III, TCM ghi nhận doanh thu thuần tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.230 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng cũng tăng 44%, đạt 1.015 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoảng lợi nhuận gộp tại TCM tăng đột biến hơn 183% lên gần 215 tỷ đồng kéo theo biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 9,7% lên 17,5%.

Trong quý III/2022, khoản chi phí tài chính tại công ty này cũng tăng mạnh 178% so với cùng kỳ, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và đã thực hiện. Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 2% và 10%, đạt gần 44 tỷ đồng và hơn 45 tỷ đồng.

Nhờ các kết quả kinh doanh đều tăng trưởng, TCM báo lãi sau thuế trong quý III/2022 đạt 92,5 tỷ đồng, tăng gấp 37 lần so với cùng kỳ năm 2021 công ty đã lỗ 2,5 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế tại TCM đạt 221 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ. Doanh thu 9 tháng đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, TCM đặt kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4.183 tỷ và 253.8 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch, công ty đã thực hiện được hơn 77% mục tiêu doanh thu và 87% mục tiêu lợi nhuận trong 9 tháng.

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản tại công ty này đạt gần 3.527 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Các khoản tương đương tiền tăng gần 15%, đạt 235,5 tỷ đồng, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng tăng gần 19%, đạt gần 340 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 20%, đạt gần 299 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Hàng tồn kho trong TCM giảm hơn 8%, còn 1.340 tỷ đồng. Nguyên liệu, vật liệu và thành phẩm chiếm hơn 66% cơ cấu (đạt gần 918 tỷ đồng), trong đó công ty trích lập dự phòng hơn 37 tỷ đồng thành phẩm, tăng hơn 45% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả cuối kỳ tại công ty này giảm hơn 15%, còn gần 1.608 tỷ đồng, chủ yếu do giảm phải trả người bán ngắn hạn còn hơn 185 tỷ đồng. Nợ dài hạn tăng gần 55%, lên hơn 217 tỷ đồng, chủ yếu tăng từ khoản vay nợ thuê dài hạn.

Riêng trong tháng 9/2022, công ty xuất khẩu sang châu Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất với 51,7% (trong đó thị trường Mỹ chiếm 50,62%). Tiếp đến là châu Á chiếm 47,5% (trong đó thị trường Nhật chiếm 19,75%, Hàn Quốc chiếm 13,08%). Tại Châu Âu chiếm 0,8% (trong đó thị trường Anh chiếm 0,59%).

Về tình hình đơn hàng, dệt may TCM cho biết, tính đến tháng 10/2022, công ty đã nhận khoảng 80% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý IV/2022 và hiện đang nhận đơn hàng cho quý I/2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp