Thời tiết và giao thông ảnh hưởng tới cứu hộ nạn nhân động đất

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ
08:46 - 09/02/2023
Hôm 8/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thừa nhận một số “thiếu sót” trong cách phản ứng của chính phủ trước thảm họa động đất, đồng thời cho biết thời tiết và giao thông ảnh hưởng lớn.

Tính tới cuối ngày 8/2, số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua 9.000 người, trong khi Bộ Y tế Syria báo cáo rằng số người chết trong các khu vực do chính phủ kiểm soát đã vượt quá 1.200. Tại các khu vực do phiến quân kiểm soát, ít nhất 1.600 người đã chết theo dữ liệu được nhóm cứu hộ Mũ bảo hiểm trắng cung cấp. Tổng số người thiệt mạng do động đất tại hai nước lên tới 11.800 người, cùng hàng chục nghìn người bị thương và hàng chục triệu người bị ảnh hưởng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có mặt tại tỉnh Hatay bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nơi có hơn 3.300 người chết và toàn bộ khu vực lân cận bị phá hủy. Đứng trước sự chỉ trích của người dân tại khu vực này trước việc lực lượng cứu hộ tới chậm, ông Erdogan thừa nhận một số thiếu sót của quốc gia trước cách phản ứng với thảm họa.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết thời tiết mùa đông chính là một rào cản lớn trong công tác cứu hộ. Thêm vào đó, trận động đất cũng đã phá hủy nhiều tuyến đường băng và đường giao thông, từ đó khiến các hoạt động ứng phó gặp phải khó khăn.

Theo AP trích dẫn ông Erdogan, chính phủ không có cách nào chuẩn bị sẵn sàng cho một thảm họa lớn như thế này, tuy nhiên ông khẳng định quốc gia sẽ không bỏ rơi bất kỳ người dân nào. Mặt khác đối với các gia đình bị ảnh hưởng, ông cho biết chính phủ sẽ cung cấp một khoản hỗ trợ trị giá 532 USD.

Ngoài ra, nhằm kiểm soát các luồng thông tin sai lệch liên quan đến phản ứng với trận động đất, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã bắt giữ 18 người và xác định hơn 200 tài khoản mạng xã hội bị nghi ngờ “lan truyền nỗi sợ hãi và hoảng loạn”.

Đường giao thông bị phá hủy tại Golbasi, tỉnh Adiyaman, nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Đường giao thông bị phá hủy tại Golbasi, tỉnh Adiyaman, nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Trong khi đó, các nỗ lực cứu hộ vẫn không ngừng nghỉ. Tại cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Syria, các nhóm cứu hộ từ hơn 20 quốc gia đang cùng tham gia cùng hàng chục nghìn nhân viên địa phương trong công cuộc tìm kiếm sự sống dưới đống đổ nát. Tuy nhiên, mức độ tàn phá của trận động đất và các dư chấn mạnh của nó quá lớn trong khi các thiệt hại lan rộng trên một khu vực quá rộng, vẫn còn rất nhiều người đang chờ đợi được giúp đỡ.

Tại Syria, các nỗ lực viện trợ còn có thể sẽ gặp khó khăn lớn hơn nữa do quốc gia này vốn đã bị cô lập và tàn phá trong các cuộc nội chiến và dưới lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian để giành giật sự sống do cơ hội sống sót của các nạn nhân bị mắc kẹt càng ngày càng thu hẹp. Theo ông Steven Godby, chuyên gia về các mối nguy hiểm tự nhiên tại Đại học Nottingham Trent tại Anh, 72 giờ đầu tiên được coi là thời gian vàng cho công tác giải cứu. Tỷ lệ sống sót trung bình trong vòng 24 giờ là 74%, sau 72 giờ là 22% và đến ngày thứ 5 chỉ còn 6%”.

Tuy những câu chuyện về các cuộc giải cứu thành công tiếp tục mang tới hy vọng cho mọi người, giáo sư quản lý và lập kế hoạch khẩn cấp David Alexander tại College London cho biết dữ liệu từ các trận động đất trong quá khứ cho thấy khả năng sống sót hiện rất mong manh, đặc biệt đối với những người bị thương nặng.

Ông đưa ra cảnh báo số người chết cuối cùng có thể sẽ không được xác định trong vòng nhiều tuần nữa do các đống đổ nát chiếm số lượng quá lớn.

Tại thành phố Malatya ở Thổ Nhĩ Kỳ, AP trích dẫn cựu nhà báo Ozel Pikal cho biết tính tới 8/2, thành phố này gần như không còn bất kỳ hy vọng nào. Ông cho biết ông không nhìn thấy bất cứ ai còn sống sót bước ra từ đống đổ nát và nguy cơ các nạn nhân bị chết cóng khi nhiệt độ hạ xuống -6 độ C, trong bối cảnh công tác cứu hộ gặp khó do thiếu nhân lực.

Hy vọng ngày càng khép lại với các nạn nhân đang mắc kẹt dưới những đống đổ nát. Ảnh: AP

Hy vọng ngày càng khép lại với các nạn nhân đang mắc kẹt dưới những đống đổ nát. Ảnh: AP

Đọc tiếp