Thượng đỉnh G20 ra tuyên bố chung, kêu gọi hòa bình ở Ukraine

G20 THẾ GIỚI
08:33 - 10/09/2023
Từ trái sang phải: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại hội nghị thượng đỉnh G20, ngày 9/9. Ảnh: AFP
Từ trái sang phải: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại hội nghị thượng đỉnh G20, ngày 9/9. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 9/9 thông báo lãnh đạo các nước G20 đã nhất trí thông qua tuyên bố chung trong ngày họp thượng đỉnh đầu tiên ở New Delhi, đạt được đồng thuận về nhiều "vấn đề nóng" hiện nay. 

"Nhờ sự làm việc chăm chỉ của tất cả các bên, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận về Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20. Tôi tuyên bố thông qua Tuyên bố chung này", Tổng thống Modi phát biểu trước các lãnh đạo G20, theo Reuters.

Tuyên bố chung nêu rõ G20 kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ các nguyên tắc quốc tế, bao gồm vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định.

"Chúng tôi hoan nghênh tất cả sáng kiến có liên quan và mang tính xây dựng nhằm hỗ trợ nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine. Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được", tuyên bố nhấn mạnh.

Lãnh đạo các nước trong phiên họp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo các nước trong phiên họp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tuyên bố chung kêu gọi Nga và Ukraine khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ hai quốc gia này để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Các nước G20 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu, kêu gọi các bên chấm dứt các hành động quân sự nhằm vào hạ tầng liên quan đến hai lĩnh vực này.

Tuyên bố cho biết nhóm G20 đã đồng ý giải quyết các lỗ hổng nợ ở các nước thu nhập thấp và trung bình "một cách hiệu quả, toàn diện và có hệ thống", nhưng không nêu rõ kế hoạch hành động mới. Họ cũng cam kết tăng cường và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, đồng thời chấp nhận đề xuất về quy định chặt chẽ hơn về tiền điện tử.

Các lãnh đạo G20 cũng đồng ý rằng thế giới cần tổng cộng 4.000 tỷ USD tài trợ chi phí thấp hàng năm cho quá trình chuyển đổi năng lượng, kêu gọi các nước tăng tốc nỗ lực hướng tới "giảm dần năng lượng than". Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng điều này phải được thực hiện "phù hợp với hoàn cảnh quốc gia và nhận thấy sự cần thiết để hướng tới chuyển đổi công bằng".

Bình luận về tuyên bố chung, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết văn bản này thể hiện lập trường rõ ràng về sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ukraine nói rằng "không có gì để tự hào" và nói thêm rằng nếu Ukraine được tham dự thì các bên tại G20 sẽ hiểu rõ hơn về tình hình.

Nga chưa đưa ra phản ứng về tuyên bố chung của G20. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng Moscow sẽ phản đối văn bản này nếu nó không thể hiện quan điểm của Moscow về cuộc chiến ở Ukraine và các cuộc khủng hoảng khác.

Cũng trong ngày 9/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo Liên minh châu Phi (AU) chính thức trở thành thành viên thường trực của G20, khối các nền kinh tế lớn nhất thế giới. "Với sự chấp thuận từ các bên, tôi đề nghị lãnh đạo AU tiếp nhận vị trí thành viên thường trực G20", ông tuyên bố.

Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/9 cho biết Nga sẽ không từ bỏ các điều kiện đã đặt ra để nối lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Ông nói thêm rằng những điều kiện mới do Liên Hợp Quốc đề xuất như cam kết kết nối công ty con của ngân hàng nông nghiệp Rosselkhozbank thuộc Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT "vẫn chưa đủ".

Kể từ tháng 7, Nga chính thức đình chỉ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào năm 2022. Thỏa thuận này vốn được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine tới thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột giữa Moscow và Kiev. Ngoài ra, nó cũng được kỳ vọng sẽ giúp dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây – yếu tố ngăn cản xuất khẩu nông sản của Nga.

Tuy nhiên, Nga cho biết phần phần thỏa thuận liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các công ty liên quan của nước này vẫn chưa được thực hiện.

Tin liên quan

Đọc tiếp