Tiền số có thể thành vũ khí tài chính giúp Nga lách cấm vận

TIỀN SỐ NGA
12:08 - 25/02/2022
Tiền số có thể thành vũ khí tài chính giúp Nga lách cấm vận
0:00 / 0:00
0:00
Trước lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của Mỹ và châu Âu, ngành tài chính Nga đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính toàn cầu. Trong đó, tiền số có thể trở thành phương thức hữu hiệu giúp Moscow né các đòn cấm vận này.

Kinh tế Nga trước đòn trừng phạt của Mỹ và châu Âu

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đêm 24/2 đã họp hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp và nhất trí áp đặt trừng phạt đối với các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga.

Thủ tướng Anh Borris Johnson cho biết, Anh sẽ cắt đứt quan hệ với các ngân hàng Nga khỏi thị trường đồng bảng Anh và thanh toán bù trừ. Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các biện pháp trừng phạt cứng rắn lần 2, bao gồm phong tỏa tài sản các ngân hàng lớn của Nga và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao tới nước này.

Trước tình thế này, ngành tài chính Nga đang phải tìm cách ứng phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Trong khi đó, những năm gần đây, cơ cấu nền kinh tế Nga đã có nhiều thay đổi, với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản vay và đầu tư nước ngoài. Kể từ năm 2014, Nga đã cắt giảm đáng kể việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch tài chính. Vàng và đồng Euro chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với đồng USD trong kho dự trữ của Nga.

Nước này cũng có một số biện pháp bảo vệ kinh tế mạnh mẽ, trong đó có việc tăng khối lượng dự trữ quốc tế lên gần 640 tỷ USD và tỷ lệ nợ trên GDP khá thấp, khoảng 18% vào năm 2021. Đồng thời, Moscow đã thực hiện những bước đi để triển khai hệ thống thành toán quốc tế riêng, phòng trường hợp bị loại khỏi hệ thống SWIFT toàn cầu.

Giới chuyên gia nhận định, các biện pháp trừng phạt của phương Tây ở thời điểm này sẽ gây khó khăn hơn cho nền kinh tế Nga trong việc cung cấp tài chính về ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ tăng cường sự độc lập của Nga với hệ thống tài chính phương Tây, đồng thời giảm bớt dòng vốn chảy ra ngoài của Nga.

Lách lệnh cấm vận bằng tiền số

Bên cạnh đó, chính phủ Nga cũng đang phát triển tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC), hay còn gọi là đồng rúp kỹ thuật số. Họ hi vọng có thể dùng nó để giao dịch trực tiếp với các nước sẵn sàng chấp nhận mà không cần đổi sang USD.

Ngoài ra, dù giao dịch tiền số được ghi vào blockchain nhằm tăng tính minh bạch, những công cụ ra đời tại Nga hoàn toàn có thể che đậy nguồn gốc của những giao dịch như vậy, giúp doanh nghiệp làm ăn với doanh nghiệp của Nga mà không bị phát hiện.

Thực tế cho thấy, Nga đã chuẩn bị đầy đủ cho kịch bản này. Hàng triệu người Nga đã tham gia vào thế giới tiền ảo và đang sở hữu tài sản tiền ảo trị giá hơn 2.000 tỷ Rúp (tương đương 22,9 tỷ USD)

Ngoài ra, vào tháng 10/2020, đại diện của Ngân hàng Trung ương Nga trả lời một tờ báo trong nước rằng đồng rúp điện tử sẽ giúp Nga giảm lệ thuộc vào Mỹ và đối phó tốt hơn các lệnh cấm vận.

Đặc biệt, tiền số giúp các pháp nhân tại Nga tiến hành giao dịch bên ngoài hệ thống ngân hàng quốc tế với bất kỳ nước nào sẵn sàng. Nga có thể tìm thấy đối tác tại các nước cũng đang bị Mỹ cấm vận, bao gồm Iran. Trung Quốc - đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất của Nga – đã phát hành CBDC riêng.

Tất nhiên, việc tránh né các lệnh trừng phạt không dễ dàng như việc chuyển toàn bộ tài sản bằng USD sang Bitcoin. Và rất khó để mua mọi thứ bằng tiền số, đặc biệt là những thứ có giá trị lớn. Chẳng hạn như thực phẩm, vốn là mặt hàng Nga thường xuyên nhập khẩu.

“Liệu có nhà xuất khẩu thực phẩm nào trên thế giới chấp nhận tiền số, vốn có giá trị giao động liên tục mỗi ngày, hay họ muốn nhận đồng USD, vốn là đồng tiền phổ biến nhất thế giới”, Ross S.Delston, một chuyên gia về rửa tiền ảo cho biết

Một vấn đề phức tạp khác là các giao dịch về dầu mỏ, vốn đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Nga, hiện đang bị neo vào đồng USD. Tuy vậy, có nhiều cách khác để Nga, về mặt lý thuyết, giảm thiểu sức ép từ các lệnh trừng phạt thông qua cách mà Iran đã áp dụng.

Khi ở thế khó, Iran đã tìm ra cách tránh đi phần nào các khó khăn bằng việc đào Bitcoin, theo cáo báo của công ty phân tích Elliptic cho biết. Hiện Iran dư thừa điện năng khi không thể xuất khẩu, và do đó nước này đã tận dụng để đào Bitcoin, vốn tiêu thụ lượng lớn điện năng, nhưng bù lại là những đồng Bitcoin có giá trị cao.

“Quá trình này thực chất là chuyển hoá điện năng thành Bitcoin," Tom Robinson, nhà sáng lập Elliptic cho biết. “Những thợ đào ở Iran được trả trực tiếp bằng Bitcoin, và sau đó họ sử dụng chúng để thanh toán cho hàng hoá nhập khẩu” – điều mà Elliptic cho biết đã trở thành một chính sách được áp dụng tại Iran.

Elliptic ước tính các máy đào Bitcoin tại Iran hiện chiếm tới 4,5% lượng Bitcoin được đào trên thế giới, tương ứng với lợi nhuận hàng năm khoảng 1 tỷ đô la.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.