Tín chỉ carbon: Động lực phát triển hay thách thức đối với doanh nghiệp Việt

Net Zero carbon credit
10:51 - 19/03/2024
Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet
0:00 / 0:00
0:00
Theo thống kê của Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu, Việt Nam đang đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon với con số khoảng gần 40 triệu.

Cơ hội và thách thức

Tham gia vào thị trường tín chỉ carbon vừa là cơ hội và cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam nhằm bắt nhịp thị trường trong nước và quốc tế đối với yêu cầu về sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và phát triển bền vững.

Khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, doanh nghiệp có cơ hội phát sinh nguồn thu nhập mới. Doanh nghiệp có thể giảm phát thải KNK hơn mức quy định và bán tín chỉ carbon dư thừa cho các doanh nghiệp khác. Không những thế, đây còn là cơ hội tiếp cận thị trường mới - thị trường carbon quốc tế mở ra cơ hội xuất khẩu tín chỉ carbon cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tham gia thị trường carbon thể hiện cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trong thu hút đầu tư và khách hàng. Từ đó, nhu cầu tự thân thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp có động lực áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm phát thải KNK, nâng cao hiệu quả sản xuất.

ThS. Thái Trần, Giám đốc Công ty Tư vấn Hanam Carbon phát biểu tại hội thảo "Tín chỉ Carbon - Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu". Nguồn: VANZA

ThS. Thái Trần, Giám đốc Công ty Tư vấn Hanam Carbon phát biểu tại hội thảo "Tín chỉ Carbon - Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu". Nguồn: VANZA

Tại hội thảo khoa học "Tín chỉ Carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu" do Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Vietnam – Asia (VANZA) và các đối tác tổ chức, Th.S Thái Trần, Giám đốc Công ty Tư vấn Hanam Carbon (thuộc tập đoàn tư vấn Cơ chế Phát triển sạch Caspervandertak Consulting, có trụ sở chính tại Hà Lan) cho biết: “Tham gia vào thị trường carbon là động lực phát triển cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.

Các doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích hai chiều: thực hiện giảm lượng KNK, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon, thúc đẩy nền kinh tế. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon và xây dựng hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.”

Tuy nhiên, để tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Thách thức đầu tiên phải kể đến chính là chi phí tuân thủ, doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống đo đạc, kiểm kê lượng phát thải, giám sát và báo cáo phát thải KNK.

Thách thức lớn thứ hai là yếu tố khách quan đến từ rủi ro thị trường. Giá tín chỉ carbon có thể biến động, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Mặc dù gần đây, các thuật ngữ “tín chỉ carbon”, “kiểm kê khí nhà kính”,… được nhắc đến nhiều nhưng đây vẫn là lĩnh vực rất mới ở Việt Nam. Vì vậy, sự thiếu thông tin và hiểu biết rõ về thị trường carbon cũng như cách thức tham gia là điểm hạn chế nhất thời đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, tính đến nay, khung pháp lý cho thị trường carbon Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện. Hiện, Đề án phát triển thị trường carbon đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng phê duyệt. Mặt hàng chính trên sàn giao dịch carbon là hạn ngạch phát thải KNK áp cho từng doanh nghiệp và tín chỉ carbon là mặt hàng bù đắp.

Theo lộ trình, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon. Đến hết năm 2027, dự kiến xây dựng xong quy định quản lý tín chỉ carbon, thí điểm triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và từ năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch.

Khởi động để bắt nhịp với thị trường

Trong một cuộc trao đổi với báo chí đầu năm 2024, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành tổng hạn ngạch phát thải cho từng giai đoạn, qua đó sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải carbon cho các doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê phát thải KNK.

Hiện có 1.912 doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê, báo cáo mức độ phát thải KNK (chủ yếu là phát thải carbon) trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, quản lý chất thải. Trong thời gian tới, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng phải kiểm kê phát thải. Trên thực tế, việc kiểm kê mức độ phát thải KNK đã được các doanh nghiệp nói trên triển khai từ năm 2023 và cung cấp thông tin cho các bộ chủ quản.

Vấn đề trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất hàng sang thị trường châu Âu hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng có thể phải chịu tiền thuế carbon do EU thực thi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Cơ chế CBAM được EU áp dụng từ ngày 01/10/2023 để ngăn chặn hàng hóa phát thải nhiều vào thị trường này. 6 nhóm hàng hóa bị áp CBAM gồm sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện, hydrogen. Theo đó, các nước EU thực hiện áp trần phát thải KNK với các sản phẩm xuất khẩu vào EU, nếu lượng phát thải các sản phẩm này vượt ngưỡng cho phép sẽ phải chịu phạt khoảng 50 euro/tấn carbon phát thải.

Từ tháng 4/2024, Mỹ cũng dự kiến áp CBAM với 7 nhóm hàng hóa xuất khẩu vào nước này, gồm: dầu khí, khí đốt tự nhiên, phân bón, giấy, xi măng, thủy tinh, sắt thép.

Như vậy, để thích ứng với tình hình mới, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao nhận thức, tìm hiểu về thị trường carbon, cơ hội và thách thức liên quan. Đánh giá tiềm năng, xác định lượng phát thải KNK và khả năng tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp mình. Chuẩn bị sẵn sàng xây dựng hệ thống đo đạc, giám sát và báo cáo phát thải KNK.

Để thực hiện tốt và đi đúng hướng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm đối tác phù hợp, hợp tác với các tổ chức tư vấn, nhà đầu tư và các doanh nghiệp khác. Đồng thời, chủ động tham gia xây dựng chính sách, góp ý kiến cho việc hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường carbon.

Việt Nam cần đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những “nút thắt” trên, từ đó có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ các thị trường này. Chuyên gia Thái Trần cũng đưa ra khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt, cần tận dụng các cơ hội từ thị trường tài chính carbon trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải tiến tới Net Zero vào 2050, còn thế giới đang áp dụng các luật chơi về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Việc tiếp cận nguồn tài chính xanh để hiện thực hóa thị trường chính là cơ hội mà các bên cần nắm bắt”, ông Thái Trần cho biết.

Chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn và thực hành ESG

Để hội nhập sâu rộng hơn nữa vào ‘sân chơi” quốc tế, từ đó nâng cao thương hiệu và vị thế của các doanh nghiệp Việt nói riêng và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB nhận định doanh nghiệp phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu.

Ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB chia sẻ tại hội nghị. Nguồn: VANZA

Ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB chia sẻ tại hội nghị. Nguồn: VANZA

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ nguồn lực thì nên bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào và làm thế nào để thành công? “Theo tôi nên bắt đầu từ lãnh đạo, nhà lãnh đạo phải thay đổi quan điểm, dù doanh nghiệp nhỏ nhưng phải nghĩ đến môi trường, nghĩ về marketing, về trách nhiệm xã hội. Suy nghĩ về thu hút khách hàng có trách nhiệm, xây dựng văn hóa cùng nhau nghĩ về môi trường, tạo cho doanh nghiệp có bản sắc, chúng ta nên làm vì hiệu quả sẽ đến từ văn hóa doanh nghiệp.”

Ông Danh nhấn mạnh, thực hiện kinh tế tuần hoàn trước mắt có thể chưa thu được lợi nhuận nhưng về lâu dài, uy tín và thương hiệu doanh nghiệp được thị trường chấp nhận thì khả năng cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại sẽ tăng cao.

Trước đây các doanh nghiệp nước ngoài khi cần sản phẩm của mình họ thường đòi hỏi tiêu chuẩn ISO, còn bây giờ họ sẽ tìm doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn ESG, doanh nghiệp nằm trong chuỗi liên kết thực hiện KTTH. “Đầu vào cũng phải KTTH, thì mới có thể thực hiện KTTH khép kín,” ông Danh cho biết thêm.

Trong thời đại ngày nay, tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) nổi lên như một công cụ để doanh nghiệp hướng đến bền vững và sau đó đạt được mục tiêu Net Zero. Phát triển bền vững với công cụ ESG không còn là lựa chọn có hay không, mà là con đường bắt buộc phải tuân thủ để tồn tại và phát triển.

Theo các diễn giả phân tích, thực hành ESG hay Net zero sẽ giúp doanh nghiệp có những lợi thế nhất định. Thứ nhất là khả năng tiếp cận được những nguồn vốn với chi phí vốn thấp hơn so với doanh nghiệp bình thường. Hai là khoản đầu tư bỏ ra hôm nay thường được xem là chi phí sẽ chuyển thành doanh thu, lợi nhuận sau 5-10 năm. Và người tiêu dùng sẽ là động lực buộc doanh nghiệp phải thực hành các hành động phát triển bền vững.

Ông Trần Nguyễn Trọng Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Thương mại Kenzen chia sẻ ý nghĩa của việc thực hiện ESG giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Nguồn: VANZA

Ông Trần Nguyễn Trọng Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Thương mại Kenzen chia sẻ ý nghĩa của việc thực hiện ESG giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nguồn: VANZA

Ông Trần Nguyễn Trọng Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Thương mại Kenzen nhấn mạnh thêm: “Là một thành viên trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp. ESG đã ra đời cùng với bộ nguyên tắc đầu tư trách nhiệm (PRI) để thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức đầu tư phải quan tâm, thực hiện các hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình một cách có trách nhiệm với xã hội.

Thúc đẩy thực hiện ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, giảm rủi ro mà các tác động môi trường, xã hội, quản trị gây ra. Thúc đẩy thực hiện ESG là nhằm hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), góp phần hiện thực hóa xã hội không carbon (Net Zero).”

Tin liên quan

Đọc tiếp