Tổng thống Putin: Đàm phán Nga - Ukraine rơi vào bế tắc

đàm phán Nga – Ukraine
08:23 - 13/04/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/4 cho biết, Kiev đã khiến cuộc đàm phán giữa các bên rơi vào bế tắc. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/4 cho biết, Kiev đã khiến cuộc đàm phán giữa các bên rơi vào bế tắc. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 12/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc Ukraine không tuân theo những nội dung đã thỏa thuận ở Istanbul đã khiến quá trình đàm phán hòa bình này rơi vào bế tắc. 

RT đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến về kết quả hội đàm với người đống cấp Alexander Lukashenko của Belarus, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Kiev đã đi ngược lại các thỏa thuận dự kiến giữa các phái đoàn Nga và Ukraine tại Istanbul vào cuối tháng 3 vừa qua".

Theo ông Putin, sự "không nhất quán" của Ukraine khiến các cuộc đàm phán hòa bình lại quay trở lại "tình trạng bế tắc".

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong cuộc gặp tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur, Nga, ngày 12/4. Ảnh: Sputnik / NYT
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong cuộc gặp tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur, Nga, ngày 12/4. Ảnh: Sputnik / NYT

Ông Putin giải thích rằng, Ukraine đã từ chối công nhận Crimea thuộc Nga và khu vực Donbass là độc lập. Ông cho biết, hai nội dung đó là những chủ đề chính mà không đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong các cuộc đàm phán.

Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng "hoạt động quân sự của Nga sẽ tiếp tục cho đến khi hoàn thành đầy đủ các mục tiêu". "Chúng tôi sẽ hành động nhịp nhàng và bình tĩnh theo kế hoạch mà Bộ Tổng tham mưu vạch ra ngay từ đầu", ông nói, theo New York Times.

Trong khi đó, Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, bình luận rằng các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước "đang đi vào ngõ cụt". Ông Podolyak nói rằng, Nga đang cố gắng gây áp lực dư luận lên các cuộc đàm phán bằng các tuyên bố công khai. Đồng thời, đại diện Ukraine cho biết, mặc dù các cuộc đàm phán rất khó khăn nhưng họ vẫn tiếp tục triển khai ở cấp độ chuyên viên.

Vòng đàm phán hòa bình giữa phái đoàn Moscow và Kiev tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là có triển vọng nhất. Ảnh: TASS

Vòng đàm phán hòa bình giữa phái đoàn Moscow và Kiev tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là có triển vọng nhất. Ảnh: TASS

Vòng đàm phán mới nhất giữa Moscow và Kiev đã được tổ chức cách đây hai tuần tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà theo phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine đã đưa ra bản dự thảo đầu tiên với các đề xuất bằng văn bản về cách giải quyết xung đột.

Trong thời điểm đó, Trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng sau cuộc đàm phán và nói rằng Ukraine đã phát đi tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng tuyên bố trở thành một quốc gia trung lập, nhưng vẫn còn một số vấn đề lớn mà hai bên chưa tìm ra tiếng nói chung.

Moscow đang yêu cầu Kiev chính thức công nhận Crimea là một phần của Nga và các khu vực ở Donbass là các quốc gia độc lập. Crimea đã bỏ phiếu rời Ukraine và tái gia nhập Nga ngay sau cuộc đảo chính Maidan năm 2014 ở Kiev. Trong suốt quá trình hội đàm tại Istanbul, phái đoàn Ukraine cho biết Kiev sẽ không tìm cách giành lại các khu vực ở Donbass bằng vũ lực và đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán riêng biệt về hiện trạng của Crimea.

Tuy nhiên, trong tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Ukraine đã đệ trình các đề xuất mới bằng văn bản khác với những gì được đưa ra trong cuộc đàm phán trực tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Lavrov, đề xuất mới không đề cập đến việc đảm bảo an ninh mà Kiev muốn có được từ những cường quốc hàng đầu thế giới mà không bao gồm Crimea.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với tờ Bild của Đức cuối tuần trước rằng Kiev vẫn coi các cuộc đàm phán với Nga là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các nhà đàm phán Ukraine đã đề xuất tại Istanbul rằng Ukraine trở thành một quốc gia trung lập, không liên kết để đổi lấy các đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý. Nga liên tục nêu nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine là một trong những lý do khiến Moscow phát động chiến dịch quân sự nhằm vào nước láng giềng vào cuối tháng 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo đã bắt giữ ông Viktor Medvedchuk - nhà tài phiệt, chính trị gia Ukraine thân Nga và đề xuất Nga trao đổi tù binh chiến tranh. Ảnh: NYT

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo đã bắt giữ ông Viktor Medvedchuk - nhà tài phiệt, chính trị gia Ukraine thân Nga và đề xuất Nga trao đổi tù binh chiến tranh. Ảnh: NYT

Trong khi đó, bình luận về những lệnh trừng phạt mà phương Tây tiếp tục áp đặt lên Nga, Tổng thống Putin cho biết điều đó sẽ không thể cô lập Nga với thế giới này. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng, Moscow "không còn sự lựa chọn nào khác" ngoài việc tiến hành quân sự để bảo vệ những đồng minh ở miền đông Ukraine và người dân.

Các nhà lãnh đạo của Nga và Belarus đã gặp nhau tại sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur ngày 12/4, nhân dịp kỷ niệm 61 năm chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của nhà du hành Yuri Gagarin. Tổng thống Putin cảm ơn người đồng cấp Belarus, Alexander Lukashenko vì vai trò của ông trong việc giúp tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine ngay từ những ngày đầu.

Trước cuộc hội đàm ở Istanbul, phái đoàn của Nga và Ukraine đã tổ chức 3 cuộc gặp mặt trực tiếp tại Belarus. Cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra vào ngày 28/2 tại khu vực Gomel. Sau đó, các bên tiếp tục đàm phán vào ngày 3/3 và 7/3 tại vùng Belovezhskaya Pushcha. Sau đó, các bên nhất trí đàm phán trực tuyến.

Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, "để có thể bắt đầu đối thoại trực tiếp với phía Ukraine, một phần lớn là nhờ vào nỗ lực cá nhân của Tổng thống Belarus". Ông cũng cho biết, đối với cá nhân ông, Belarus là một địa điểm thích hợp để có thể tổ chức "tiếp xúc thêm" giữa Moscow và Kiev.

Ukraine đề xuất trao đổi tù binh với Nga: CNN đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo đã bắt giữ ông Viktor Medvedchuk - nhà tài phiệt, chính trị gia Ukraine thân Nga và đề xuất Nga trao đổi tù binh chiến tranh.

Ông Medvedchuk là lãnh đạo đảng Opposition Platform for Life, một trong những đảng lớn nhất Ukraine. Ông bị chính quyền Kiev đình chỉ hoạt động hồi tháng 3/2022 và bị quản thúc tại gia. Tuy nhiên, ông đã trốn thoát 3 ngày sau khi Nga tiến hàng chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2.

Ngân hàng Thế giới (WB) chuẩn bị viện trợ 1,5 tỷ USD cho Ukraine: New York Times dẫn lời Chủ tịch WB David R. Malpass ngày 12/4, cho biết tổ chức này chuẩn bị cung cấp khoản viện trợ 1,5 tỷ USD cho Ukraine để giúp nước này duy trì hoạt động của chính phủ, trong bối cảnh xung đột leo thang.

Đầu tuần này, Hiệp hội Phát triển Quốc tế, chi nhánh của WB, đã thông qua khoản tiền này. Ngân hàng cũng đang làm việc để cung cấp viện trợ cho nhân viên bệnh viện, người già ở Ukraine và hỗ trợ những người tị nạn. Đồng thời, tổ chức cũng cam kết giúp Ukraine khôi phục sau chiến sự.

Mỹ xác nhận hoàn tất gói viện trợ 800 triệu USD cho Ukraine: CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, xác nhận gói viện trợ vũ khí trị giá 800 triệu USD được chính quyền Tổng thống Jow Biden phê duyệt hồi tháng trước cho cuộc xung đột ở Ukraine đã gần hoàn tất. Quan chức này cũng cho biết, một số lượng đáng kể trong số 100 máy bay không người lái Switchblade đã được vận chuyển đến Ukraine.

Pháp tịch thu bức tranh của nhà tài phiệt Nga: Một phát ngôn viên của Bộ Văn hóa Pháp cho biết, bức tranh “Chân dung tự họa” (1912) của họa sĩ Pyotr Konchalovsky, sẽ "ở lại Pháp cho đến khi nào chủ sở hữu của nó, một nhà tài phiệt Nga, được phá băng tài sản". Bức tranh này từng thu hút hơn 1,2 triệu người đến xem một buổi trình diễn nghệ thuật ở Paris.

Tin liên quan

Đọc tiếp