Trí tuệ nhân tạo sẽ đóng góp cho kinh tế Trung Quốc 4.200 tỷ USD năm 2035

CÔNG NGHỆ TRUNG QUỐC
21:35 - 18/12/2023
Trí tuệ nhân tạo sẽ đóng góp cho kinh tế Trung Quốc 4.200 tỷ USD năm 2035
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nền kinh tế Trung Quốc đã đạt khoảng 15%. Các lĩnh vực chính sử dụng công nghệ mới này là sản xuất, bán lẻ, viễn thông và chăm sóc sức khỏe.

Theo South China Morning Post, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết, năm 2023, thị trường trí tuệ nhân tạo nước này sẽ đạt 1.400 tỷ USD khi công nghệ này bắt đầu được ứng dụng để tăng tốc các ngành công nghiệp truyền thống.

Cơ quan MIIT dự đoán, đến năm 2035, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng góp cho kinh tế Trung Quốc khoảng 4.200 tỷ USD.

Hiện tỷ lệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nền kinh tế Trung Quốc đã đạt khoảng 15%, trong các lĩnh vực như sản xuất, bán lẻ, viễn thông và chăm sóc sức khỏe.

Chuyên gia phân tích Chu Debao của Tổ chức phân tích Trung Quốc nói rằng, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo tích cực nhất là trong lĩnh vực bán lẻ và viễn thông, với tỷ lệ lần lượt là 13% và 10%, tiếp theo là chăm sóc sức khỏe và sản xuất, tương ứng 7% và 5%.

Giới chuyên gia nhận định, kể từ khi OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT nổi tiếng vào cuối năm 2022, đã xuất hiện một làn sóng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc.

Tính đến tháng 7/2023, đã có hơn 4.300 doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc. Chỉ riêng trong năm 2023, ở Trung Quốc đã xuất hiện hơn 368 công ty khởi nghiệp mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo, đồng nghĩa là mỗi ngày có hơn 1 công ty mới trong lĩnh vực này được thành lập.

Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như công cụ tìm kiếm Baidu, công ty truyền thông xã hội Tencent và ByteDance hay các công ty chuyên ngành như AI SenseTime và iFlyTek đã lần lượt trình làng hàng loạt các sản phẩm tương tự cho thị trường nội địa.

Mới đây, Tencent đã công bố Hunyuan - mô hình chatbot tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo dành cho doanh nghiệp, được sử dụng trong hơn 180 dịch vụ, bao gồm ứng dụng hội nghị Tencent Meet và trình xử lý văn bản đám mây Tencent Docs, cũng như hoạt động kinh doanh quảng cáo trực tuyến và tìm kiếm WeChat.

Theo chuyên trang công nghệ Tech Wire Asia, trí tuệ nhân tạo có khả năng phân tích và khai thác dữ liệu lớn (Big Data) một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó cung cấp cho doanh nghiệp thông tin quan trọng và phân tích chi tiết để hỗ trợ quyết định kinh doanh.

Đồng thời, công nghệ này có thể giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào con người bằng cách thực hiện tự động các quy trình kinh doanh và công nghệ thông tin nhằm tiết kiệm thời gian, tối ưu hoá hoạt động của doanh nghiệp cũng như giảm thiểu sai sót do con người gây ra.

Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nêu rõ: "Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm thiểu tác động của lạm phát, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và thậm chí khắc phục suy thoái kinh tế. Các giám đốc điều hành (CEO) và giám đốc công nghệ thông tin (CIO) tận dụng AI để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh mới và tìm thấy những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu".

Do đó, các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo hiện nay tập trung chủ yếu vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh thu, tối ưu chi phí và nâng cao tính liên tục của hoạt động kinh doanh.

Bà Frances Karamouzis dẫn kết quả khảo sát của Gartner cho thấy, khoảng 68% các giám đốc điều hành tin rằng lợi ích của trí tuệ nhân tạo sáng tạo vượt trội hơn so với những rủi ro tiềm tàng, trong khi chỉ có 5% cảm thấy rủi ro của trí tuệ nhân tạo lớn hơn so với lợi ích.

Giới chuyên gia cho rằng, những pháp nhân mới vẫn đang tiếp tục xuất hiện và tham gia thị trường tiềm năng này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư hay công ty công nghệ cũng nên cẩn trọng trước những tác động tiềm ẩn khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.