Trung Quốc kêu gọi củng cố vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu

KINH TẾ TRUNG QUỐC
20:16 - 27/03/2023
Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) 2023 được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 25/3 tới ngày 27/3. Ảnh: China Daily
Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) 2023 được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 25/3 tới ngày 27/3. Ảnh: China Daily
0:00 / 0:00
0:00
Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) diễn ra từ 25-27/3, các chuyên gia nhận định nền kinh tế thứ 2 thế giới nên tập trung xây dựng các cụm công nghiệp có giá trị gia tăng cao để củng cố vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Gần 3 năm áp dụng chính sách kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt và chi phí lao động gia tăng khiến các doanh nghiệp xem xét lại sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển các hoạt động sản xuất của mình sang Ấn Độ và Đông Nam Á.

Các công ty trong các lĩnh vực như giày dép, may mặc và đồ chơi đều đã thực hiện các động thái này. Những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Samsung và Dell đều đang chuyển các bộ phận hoạt động của mình sang các nhà máy ở Đông Nam Á, nơi có chi phí lao động thấp hơn.

Tuy nhiên theo SCMP trích dẫn cựu Thị trưởng Trùng Khánh Huang Qifan, đồng thời là giáo sư kinh tế tại Đại học Phúc Đán, phần lớn làn sóng các nhà máy rời khỏi Trung Quốc được thúc đẩy bởi các công ty tư nhân của nước này. Để tránh hàng rào thuế quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các công ty cần phải điều chỉnh lại các chiến lược của mình.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc hôm 25/7, ông cho biết, một số các công ty nước ngoài mới đăng ký ở các thị trường khác trong những năm gần đây thuộc sở hữu của Trung Quốc và chủ yếu tham gia vào các ngành thâm dụng lao động.

Các công ty này chủ yếu sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như quần áo – những sản phẩm nhạy cảm với thuế quan. Do đó, việc các công ty “thực hiện một số điều chỉnh” là có thể hiểu được. Dù một phần nhỏ trong làn sóng dịch chuyển có liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ lắp ráp điện tử, các sản phẩm công nghệ cao và công nghệ mới không bị ảnh hưởng.

Ông nhận định “việc một số công ty đa quốc gia tăng cường sự hiện diện của họ ở Đông Nam Á là điều hợp lý và điều này đương nhiên sẽ khiến các công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cũng chuyển đến đó”. Theo ông, sự thay đổi này “không nhất thiết là xấu đối với quá trình tái cấu trúc ngành công nghiệp của Trung Quốc” trong bối cảnh Bắc Kinh theo đuổi chất lượng hơn số lượng trong tăng trưởng GDP.

Do đó, ông cho biết vấn đề thực sự với Trung Quốc hiện tại là xây dựng các cụm công nghiệp tập trung vào các ngành giá trị gia tăng cao. Tại diễn đàn, ông chia sẻ: “Chúng ta nên đào tạo một loạt các nhà lãnh đạo trong ngành sản xuất, hoặc các công ty đứng đầu chuỗi cung ứng như Apple… dựa trên các sản phẩm quan trọng do chính họ thiết kế và sản xuất”.

Các đại biểu tham dự phiên họp song song của Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/3/2023. Ảnh: Xinhua

Các đại biểu tham dự phiên họp song song của Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/3/2023. Ảnh: Xinhua

Ngoài ra, ông Huang cũng phát biểu ý kiến và diễn giải của mình về cạnh tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ càng gay gắt, đặc biệt là sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ do Mỹ đã hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các linh kiện cao cấp, bao gồm cả linh kiện bán dẫn tiên tiến.

Theo China Daily trích dẫn ông Huang Qifan, việc Mỹ kêu gọi tách rời khỏi thị trường Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công do “Trung Quốc có một thị trường rộng lớn duy nhất, thống nhất về luật pháp, thuế, quy tắc kinh doanh và các yếu tố then chốt khác để phát triển kinh tế”.

Do đó, “lợi thế thị trường duy nhất của Trung Quốc giúp giảm đáng kể chi phí liên quan đến sản xuất, nghiên cứu và phát triển, đầu tư tài sản cố định, hậu cần, phát triển thị trường và thậm chí mua nguyên liệu thô. Lợi thế quy mô này có thể giảm chi phí sản xuất từ 30% đến 40%".

Thay vì lo lắng về những bất ổn kinh tế và địa chính trị, ông tuyên bố Trung Quốc nên phát triển các ngành công nghiệp trong tương lai như phương tiện năng lượng mới tự động và robot hình người cho dịch vụ vệ sinh, đồng thời biến chúng thành những sản phẩm bền và đẳng cấp thế giới, để có thể cạnh tranh toàn cầu.

Ông Yi Xiaozhun, cựu thứ trưởng thương mại và cựu phó tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới, cũng phần nào đồng tình với nhận định trên. Theo SCMP trích dẫn ông, không quốc gia nào, kể cả các siêu cường như Mỹ và Trung Quốc, có thể thiết lập chuỗi cung ứng hoàn toàn độc lập. Thêm vào đó, việc tách rời sẽ không đem tới bất kỳ sự đảm bảo và cạnh tranh về chuỗi cung ứng cho bất kỳ quốc gia nào.

Vì vậy, ông Yi kêu gọi thế giới bỏ tư duy người này được lợi thì người khác sẽ phải chịu thiệt hại và thúc đẩy bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu “phụ thuộc lẫn nhau, hiệu quả cao và ổn định”.

Ông tuyên bố “xây tường cao quanh khoảng sân nhỏ của mình” sẽ không giúp đảm bảo an ninh quốc gia và “kinh nghiệm tăng trưởng của Trung Quốc đã cho thấy sẽ không có sự phát triển nếu không mở cửa, và sự bất an lớn nhất đến từ sự lạc hậu về kinh tế”.

Đọc tiếp