Trung Quốc khủng hoảng năng lượng, kinh tế thế giới cũng 'ngấm đòn'

NĂNG LƯỢNG TRUNG QUỐC
15:41 - 11/10/2021
Trung Quốc khủng hoảng năng lượng, kinh tế thế giới cũng 'ngấm đòn'
0:00 / 0:00
0:00
Khủng hoảng năng lượng không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế Trung Quốc mà còn tác động xấu tới chuỗi cung ứng và quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo mùa mua sắm cuối năm trên thế giới sẽ gặp tình trạng ảm đạm trong bối cảnh ngành vận chuyển vốn đã bị tắc nghẽn, khiến các đơn hàng bị chậm trễ và tình trạng thiếu điện trên diện rộng tại Trung Quốc. “Tình trạng thiếu điện và cắt giảm sản xuất nếu tiếp diễn sẽ trở thành yếu tố gây ra các vấn đề về cung ứng trên toàn cầu, đặc biệt khi ảnh hưởng tới hàng hóa xuất khẩu”, Louis Kuijs, nhà kinh tế cấp cao khu vực châu Á tại Oxford Economics cho hay.

Các nhà kinh tế đã cảnh báo về mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn ở Trung Quốc, với chỉ số Citigroup cho thấy các nhà sản xuất hàng hóa có khả năng gặp nguy cơ do kinh tế Trung Quốc suy yếu. Các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc hay các nhà xuất khẩu kim loại tại Australia và Chile cũng như các đối tác thương mại quan trọng như Đức rất dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình tại Trung Quốc.

Craig Botham, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics cho rằng: “Có cơ sở để cho rằng giá cả hàng hóa sẽ leo thang – hệ quả của việc tham gia sâu rộng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Nhiều ngành sản xuất trên thế giới đã chịu áp lực lớn do tình trạng thiếu điện trên diện rộng tại Trung Quốc. Xu hướng này đang lan nhanh sang các ngành khác.

Chuỗi cung cấp thực phẩm gặp nguy cơ khi khủng hoảng năng lượng khiến mùa thu hoạch tại Trung Quốc – quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn nhất toàn cầu - gặp khó khăn. Giá lương thực toàn cầu đã tăng tới mức cao nhất trong thập kỷ và tình trạng có thể tồi tệ hơn khi Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thu hoạch ngô, đậu tương, lạc, bông.

Trong những tuần gần đây, một số cơ sở sản xuất đã buộc phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng do thiếu điện. Giá phân bón đang leo thang nhanh chóng, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong khi nhiều chi phí khác tăng cao. Thiếu điện cũng ảnh hưởng tới các ngành chế biến như sản xuất ngũ cốc, thịt, bơ sữa, thịt lợn…

Lĩnh vực công nghệ cũng bị ảnh hưởng, bởi Trung Quốc là công xưởng lớn nhất thế giới cho iPhones, các thiết bị trò chơi điện tử, cũng như là trung tâm đóng gói chất bán dẫn dùng trong ô tô và các thiết bị khác. Pegatron, đối tác của Apple, cho biết đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng từ tháng trước trong khi nhà đóng gói chip lớn nhất thế giới ASE Technology Holding buộc phải ngừng sản xuất trong vài ngày. Nếu tình trạng thiếu điện tiếp tục, quá trình sản xuất phục vụ mùa mua sắm cuối năm có thể bị ảnh hưởng.

Gián đoạn trong thị trường chất bán dẫn cũng ảnh hưởng tới các nhà sản xuất ô tô. Toyota – hãng sản xuất hơn một triệu ô tô mỗi năm tại Trung Quốc, cho biết một số cơ sở sản xuất của hãng tại nước này đã bị ảnh hưởng bởi thiếu điện./.

Tin liên quan

Đọc tiếp