UNHCR: Số người di tản trên thế giới năm 2022 vượt mốc 100 triệu

Tị nạn THẾ GIỚI
19:33 - 16/06/2022
Những người tị nạn tại khu vực miền đông Cộng hòa Rwanda, ngày 10/6. Ảnh: Reuters
Những người tị nạn tại khu vực miền đông Cộng hòa Rwanda, ngày 10/6. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 15/6 cảnh báo, cuộc khủng hoảng an ninh lương thực do xung đột Nga-Ukraine sẽ làm gia tăng số người ở các nước nghèo phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán.

Trong Báo cáo thường niên về xu hướng di cư trên toàn cầu của UNHCR, ước tính thế giới có khoảng 89,3 triệu người đã buộc phải di tản do hậu quả của chiến tranh, bạo lực, ngược đãi và vi phạm nhân quyền vào cuối năm 2021, tăng gấp đôi so với 42,7 triệu người vào năm 2012.

Con số trên bao gồm 27,1 triệu người tị nạn; 53,2 triệu người di dời trong nước, 4,6 triệu người xin tị nạn và 4,4 triệu người Venezuela di cư ra nước ngoài. 83% người tị nạn trên thế giới vào cuối năm 2021 đến từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, 27% còn lại đến từ các quốc gia kém phát triển nhất.

Riêng trong năm 2022, cuộc chiến giữa Nga – Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng di tản nhanh nhất và lớn nhất kể từ Thế chiến II, bên cạnh đó là các trường hợp di tản khẩn cấp từ châu Phi và Afghanistan, khiến số người di cư trên thế giới lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu.

Người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi. Ảnh: Anews

Người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi. Ảnh: Anews

Theo Ngân hàng Thế giới (WHO), 23 quốc gia với tổng dân số 850 triệu người, đã phải đối mặt với các cuộc xung đột cường độ trung bình hoặc cao trong năm 2021 - một trong những nguyên nhân chính gây ra các làn sóng di cư khổng lồ.

Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi cho biết, cứ mỗi cuối thập kỷ thì con số trên lại tăng vọt. “Cuộc khủng hoảng lương thực, kèm theo các vấn đề như chiến tranh, xâm phạm nhân quyền và biến đổi khí hậu – đang đẩy nhanh xu hướng trong báo cáo trên. Các con số thật đáng kinh ngạc”, Reuters dẫn lời ông Grandi.

Tuy nhiên, ông cũng nhận định con số người tị nạn và di tản ngày càng gia tăng và có thể vượt quá khả năng mà các quốc gia có thể xử lý. Bên cạnh đó, việc thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng lương thực và phân bón đang đẩy hàng triệu người đối mặt với nguy cơ đói ăn. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng di cư toàn cầu.

Ông Grandi cũng nói rằng các nguồn lực đã trao cho những người dân Ukraine là “độc quyền”, trong khi các cuộc khủng hoảng di cư tại nhiều quốc gia khác đang trong tình trạng bị thiếu vốn. Liên minh châu Âu đang “không công bằng” khi tiếp nhận những nhóm người di cư, khi hào phóng tiếp nhận những người di cư từ Ukraine nhưng những người tị nạn xung đột từ những khu vực khác lại không được đối xử như vậy.

Ông nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng tị nạn ở Ukraine không nên khiến chúng ta quên những cuộc khủng hoảng khác” khi đề cập đến cuộc xung đột kéo dài hai năm qua ở Ethiopia, xung đột tại Syria và Afghanistan hay những đợt hạn hán do biến đổi khí hậu ở vùng Sừng châu Phi và Sahel.

Từ phản ứng của các nước EU, ông cho rằng việc ứng phó với dòng người tị nạn đổ về biên giới các nước giàu có hoàn toàn khả thi. Đồng thời ông kêu gọi: “Rõ ràng vấn đề này nếu không được giải quyết nhanh chóng sẽ gây ra tác động rất nghiêm trọng”. Do đó, cộng đồng quốc tế cần phối hợp hành động để giải quyết, chấm dứt xung đột và tìm ra giải pháp lâu dài.

Tin liên quan

Đọc tiếp