Ngân hàng Thế giới bơm 30 tỷ USD ngăn khủng hoảng an ninh lương thực

Lương thực WB
14:54 - 19/05/2022
Thế giới đang đứng trước khủng hoảng an ninh lương thực do cuộc chiến tại Ukraine. Ảnh: The Economic Times
Thế giới đang đứng trước khủng hoảng an ninh lương thực do cuộc chiến tại Ukraine. Ảnh: The Economic Times
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 18/5, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo cung cấp 30 tỷ USD để ngăn chặn cuộc khủng hoảng an ninh lương vốn đang bị đe dọa bởi chiến sự tại Ukraine. Cuộc chiến này đã cắt đứt nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine đến thế giới. 

WB cho biết, tổng số tiền được cung cấp sẽ bao gồm 12 tỷ USD cho các dự án mới và hơn 18 tỷ USD từ các dự án liên quan đến thực phẩm và dinh dưỡng hiện có, đã được phê duyệt nhưng chưa được giải ngân.

"Việc giá lương thực tăng cao đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với những người nghèo và nhóm dễ bị tổn thương nhất. Để cung cấp thông tin và ổn định thị trường, điều quan trọng là các quốc gia phải tuyên bố ngay bây giờ về việc tăng sản lượng trong tương lai để đối phó với chiến sự tại Ukraine", Reuters dẫn lời Chủ tịch WB David Malpass trong một tuyên bố.

Các kế hoạch của WB là phần quan trọng trong báo cáo của bộ Tài chính Mỹ tóm tắt các kế hoạch hành động về an ninh lương thực từ các tổ chức tài chính quốc tế được công bố hôm 18/5.

Châu Phi và Trung Đông, Đông Âu và Trung Á, và Nam Á là những khu vực phụ thuộc vào nguồn cung ngũ cốc. Ảnh: NYT

Châu Phi và Trung Đông, Đông Âu và Trung Á, và Nam Á là những khu vực phụ thuộc vào nguồn cung ngũ cốc. Ảnh: NYT

Ngân hàng Thế giới cho biết, các dự án mới dự kiến ​​sẽ hỗ trợ nông nghiệp, các dự án nước và thủy lợi, bảo trợ xã hội để giảm bớt tác động của giá lương thực cao đối với người nghèo. Phần lớn các nguồn lực tài chính này sẽ đến Châu Phi và Trung Đông, Đông Âu và Trung Á, và Nam Á. Đây là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động từ cuộc chiến ở Ukraine đối với nguồn cung cấp ngũ cốc.

Ai Cập, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào lúa mì của Ukraine và Nga, đang phải tranh giành nguồn cung từ các thị trường khác. Nguyên nhân là do Moscow đã chặn xuất khẩu nông sản của Ukraine từ các cảng Biển Đen và áp đặt các hạn chế xuất khẩu trong nước.

Nga và Ukraine nằm trong số 5 nhà xuất khẩu hàng đầu toàn cầu về nhiều loại ngũ cốc và hạt có dầu quan trọng như lúa mạch, hạt hướng dương, dầu hướng dương, ngô.

“Giá lương thực vốn đã cao do gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến dịch Covid-19 và sản lượng giảm do hạn hán vào năm ngoái. Cuộc chiến ở Ukraine diễn ra vào thời điểm tồi tệ đối với thị trường lương thực toàn cầu”, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) ở Mỹ nhận định.

Trong khi đó, sự thiếu hụt nguồn cung đẩy lạm phát lên cao và khiến làn sóng bảo hộ lương thực xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Một số chính phủ đã ban lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm để bảo vệ nguồn cung nội địa cho đến cuối năm nay.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cho biết họ có kế hoạch cung cấp 500 triệu Euro (523,5 triệu USD) cho an ninh lương thực và tài trợ thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Khoản tài chính này nằm trong gói 2 tỷ Euro (2,09 tỷ USD) dành cho Ukraine và các nước láng giềng bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Nga. Trong đó, Ukraine sẽ nhận được 200 triệu Euro (209 triệu USD) và các nước láng giềng sẽ nhận được 300 triệu Euro (314 triệu USD).

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua các kênh thông thường, mặc dù thường bị giới hạn bởi tỷ lệ sở hữu cổ phần của các quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.