LHQ: Xung đột Nga-Ukraine tác động tới 94 quốc gia và 1,6 tỷ người

Đói nghèo THẾ GIỚI
11:56 - 09/06/2022
Cư dân của khu ổ chuột Oworonshoki nhận viện trợ thực phẩm ở Lagos, Nigeria. Ảnh: AP
Cư dân của khu ổ chuột Oworonshoki nhận viện trợ thực phẩm ở Lagos, Nigeria. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 8/6, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng hậu quả của xung đột Nga - Ukraine đối với thế giới đang ngày càng tồi tệ hơn, khiến khoảng 1,6 tỷ người bị ảnh hưởng.

"Tác động của cuộc xung đột đối với an ninh lương thực, năng lượng và tài chính là tác động mang tính hệ thống, đang ngày càng gia tăng và trở nên nghiêm trọng", AFP dẫn lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khi trình bày bản báo cáo về hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ông cho biết "cuộc chiến đang đe dọa mở ra một làn sóng đói kém chưa từng có, gây ra sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội đối với mọi người dân trên toàn thế giới”. Kể từ khi xung đột nổ ra, giá lương thực toàn cầu tăng vọt và đang gần chạm mốc kỷ lục, trong khi giá phân bón cũng tăng gấp đôi.

“Nếu không có phân bón, tình trạng thiếu hụt sẽ lây lan từ ngô và lúa mì sang tất cả các loại cây trồng thiết yếu, bao gồm cả lúa gạo, và tác động trực tiếp tới hàng tỷ người ở châu Á và Nam Mỹ. Cuộc khủng hoảng năm nay là do thiếu khả năng tiếp cận lương thực, nhưng thì năm tới sẽ là thiếu lương thực", ông Guterres nói.

"Chỉ có một cách để ngăn chặn cơn bão đang hình thành này, đó là chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine phải kết thúc", ông kêu gọi.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết, ông đã đề nghị đàm phán "một gói thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen một cách an toàn, đồng thời đảm bảo thị trường toàn cầu có thể tiếp cận nguồn lương thực và phân bón của Nga mà không bị cản trở".

“Thỏa thuận này là cần thiết cho hàng trăm triệu người ở các nước đang phát triển, bao gồm vùng cận Sahara và châu Phi”, ông Guterres nói.

Ngoài ra, báo cáo cho biết, giá năng lượng cao kỷ lục đang gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu và mất điện ở tất cả các nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. Bên cạnh đó, nhiều nước đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng siết chặt tài chính liên tục do nguy cơ vỡ nợ và suy sụp kinh tế vì lạm phát, đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng lương thực.

Bản báo cáo của Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 94 quốc gia, nơi sinh sống của khoảng 1,6 tỷ người, đang "chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ít nhất một khía cạnh trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine và không thể đương đầu với những thách thức này".

"Trong số 1,6 tỷ người đó, có 1,2 tỷ hoặc 3/4 số người đang sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đặc biệt dễ bị tổn thương trước các khía cạnh về tài chính, lương thực và năng lượng", báo cáo viết.

Người dân Afghanistan nhận lương thực viện trợ ở Kabul ngày 30/4. Ảnh: AP
Người dân Afghanistan nhận lương thực viện trợ ở Kabul ngày 30/4. Ảnh: AP

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, cuộc chiến kéo dài sẽ khiến khoảng 47 triệu người bị đẩy vào cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trong năm 2022, nâng tổng số người bị ảnh hưởng trên toàn cầu lên đến 323 triệu người vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng ước tính thêm khoảng 58 triệu người dân châu Phi có thể rơi vào cảnh đói nghèo trong năm nay. Cứ 2 quốc gia ở châu Phi cận Sahara thì có 1 quốc gia dễ bị tổn thương và chịu tác động của cuộc khủng hoảng lương thực và chi phí. Thêm vào đó, tình trạng đói nghèo cùng cực ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi có thể tăng thêm 2,8 triệu người năm 2022, còn tại Nam Á có khoảng 500 triệu người đang gặp rủi ro thiếu lương thực.

“Cần phải thực hiện nhiều nỗ lực cụ thể để đảm bảo nguồn cung lương thực và năng lượng quan trọng đến được với những người dễ bị tổn thương nhất”, báo cáo nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp