UNICEF: 43,1 triệu trẻ em phải sơ tán do thảm họa môi trường trong 6 năm qua

Trẻ em UNICEF
17:45 - 06/10/2023
Một bé gái ngồi bên ngoài căn lều dành cho những người di tản ở Mogadishu, Somalia, tháng 10/2022. Ảnh: UNICEF
Một bé gái ngồi bên ngoài căn lều dành cho những người di tản ở Mogadishu, Somalia, tháng 10/2022. Ảnh: UNICEF
0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu mới nhất cho thấy có ít nhất 43,1 triệu trẻ em ở 44 quốc gia phải sơ tán vì các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu trong vòng 6 năm qua (2016-2021), tương đương với 20.000 trẻ em bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và trường học mỗi ngày.

Theo nghiên cứu mới công bố của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ​​và Trung tâm Giám sát Dịch chuyển Nội bộ (IDMC), 95% trong số hơn 43,1 triệu trẻ em đã phải sơ tán khỏi nơi ở do lũ lụt và bão được ghi nhận từ năm 2016 đến năm 2021. Hơn 2 triệu trẻ em còn lại phải sơ tán do cháy rừng và hạn hán.

Nghiên cứu chỉ ra rằng việc phải rời bỏ nhà cửa là một sự tổn thương và đáng sợ đối với bất kỳ tuổi tác nào, nhưng hậu quả có thể gây ra sự rối loạn và tổn hại cho những đứa trẻ. Nhóm đối tượng này có thể bị bỏ lỡ cơ hội học tập, tiêm vaccine cứu sống bản thân và mạng lưới xã hội.

"Thật đáng sợ đối với bất kỳ đứa trẻ nào khi một trận cháy rừng dữ dội, bão hoặc lũ lụt tràn vào cộng đồng của chúng", Giám đốc điều hành UNICEF ​​Catherine Russell nói. "Đối với những người buộc phải chạy trốn, nỗi sợ hãi và những tác động từ đó có thể đặc biệt tàn khốc. Họ lo lắng về việc liệu họ sẽ được trở về nhà, tiếp tục đi học hay bị buộc phải chuyển đi lần nữa".

Theo nghiên cứu, Trung Quốc, Philippines và Ấn Độ có tới 22,3 triệu trẻ em phải sơ tán - chiếm một nửa trong tổng số trẻ em mà nghiên cứu ước tính. Nguyên nhân khiến 3 quốc gia này có số lượng lớn trẻ phải rời khỏi nơi ở trước những thảm họa tự nhiên là do dân số đông, vị trí địa lý dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt như mưa gió mùa và lốc xoáy.

UNICEF: 43,1 triệu trẻ em phải sơ tán do thảm họa môi trường trong 6 năm qua ảnh 1

Bão, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng khiến số lượng trẻ em di tản tăng cao. Ảnh: AP

Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em phải sơ tán lớn nhất là ở các quốc đảo nhỏ - với nhiều quốc gia trong số đó đang phải đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu do tình trạng khẩn cấp về khí hậu và ở vùng Sừng châu Phi - nơi có xung đột, thời tiết khắc nghiệt, quản trị kém và tình trạng khai thác tài nguyên chồng chéo.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 76% trẻ em phải sơ tán tại hòn đảo nhỏ Dominica thuộc vùng Caribe. Khu vực này đã bị tàn phá bởi cơn bão Maria cấp 4 vào năm 2017, khiến 90% nhà cửa ở trên đảo bị hư hại. Những cơn bão cũng khiến hơn 1/4 trẻ em ở Cuba, Vanuatu, Saint Martin và quần đảo Bắc Mariana phải rời bỏ nhà cửa.

Trong khi đó, Somalia và Nam Sudan là hai nước ghi nhận nhiều trẻ em phải sơ tán nhất bởi các trận lũ lụt, ảnh hưởng lần lượt tới 12% và 11% dân số trẻ em.

UNICEF cũng chỉ ra rằng khoảng 1,3 triệu trẻ em phải dời khỏi chỗ ở do hạn hán, trong đó Somalia, Ethiopia và Afghanistan là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sự khan hiếm nước buộc người dân phải di chuyển, do mùa màng thất bát và tìm nước uống cho gia đình và gia súc. Tuy nhiên, quy mô thực sự của tình trạng hạn hán gây ra di cư vẫn chưa rõ ràng vì không được báo cáo đầy đủ.

Trong khi đó, Mỹ chiếm 3/4 (610.000 trong số 810.000) trẻ em phải sơ tán do cháy rừng, còn lại là Canada, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia.

Nhìn chung, trẻ em chiếm 1/3 trong số 135 triệu người di tản trên toàn cầu có liên quan đến hơn 8.000 thảm họa do đến thời tiết từ năm 2016 đến năm 2021.

Nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, lũ lụt ven sông có thể gây ra rủi ro lớn nhất trong tương lai và có thể khiến gần 96 triệu trẻ em phải sơ tán khỏi nơi ở trong 30 năm tới.

Với dân số đông, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines và Trung Quốc được dự báo có thể sẽ có nhiều trẻ em phải sơ tán nhất. Trong khi đó, trẻ em ở quần đảo Virgin thuộc Anh, Bahamas, Antigua và Barbuda được dự báo sẽ phải hứng chịu hầu hết các đợt di tản do thảm họa thời tiết trong những năm tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp