YouTube bắt đầu gỡ bỏ video chữa bệnh sai sự thật

Youtube toàn cầu
10:35 - 16/08/2023
YouTube bắt đầu gỡ bỏ video chữa bệnh sai sự thật
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/8, YouTube thông báo chính sách mới nhằm ngăn chặn các thông tin y tế sai sự thật xuất hiện trên nền tảng này bao gồm các video về điều trị ung thư không chính xác.

Theo CNBC, chính sách mới sẽ đơn giản hoá các video hướng dẫn hiện nay và phân loại 3 mục gồm phòng ngừa, điều trị và từ chối. Để làm được như vậy, nền tảng sẽ xoá bỏ nội dung hướng dẫn sai lệch về các chủ đề như Covid-19, sức khoẻ sinh sản, ung thư, chất có hại...

YouTube sẽ xác định nội dung đăng tải có phù hợp với chính sách y tế mới của mình bằng cách đánh giá nội dung đó có gây rủi ro y tế công cộng cao, có dễ trở thành đối tượng của thông tin sai sự thật hay không.

"Ví dụ như bệnh ung thư, người dùng thường tìm lời khuyên từ các nền tảng như YouTube sau khi được chẩn đoán mắc bệnh. Điều đó đồng nghĩa nội dung không khuyến khích người dùng điều trị hay quảng bá các phương pháp điều trị chưa được chứng minh sẽ bị xoá bỏ, chẳng hạn như video khuyến khích người dùng bổ sung vitamin C thay cho xạ trị", phát ngôn viên của YouTube nêu rõ.

Tuy nhiên, nội dung được nhiều người quan tâm có thể vẫn tồn tại ngay cả khi vi phạm chính sách mới. Đơn cử, nếu một ứng cử viên chính trị tranh luận về hướng dẫn y tế chính thức hoặc phiên điều trần chứa thông tin không chính xác, YouTube sẽ không xóa nội dung. Công ty sẽ bổ sung bối cảnh cho video để người xem nắm rõ và có tính khách quan hơn.

Mục tiêu của YouTube là bảo đảm khi xét đến các lĩnh vực đồng thuận khoa học đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, công ty không phải là nền tảng phân phối thông tin gây hại cho mọi người, dù một số hướng dẫn y tế cụ thể có thể thay đổi theo thời gian.

Thời gian qua, YouTube phải vật lộn để quản trị nội dung do người dùng tải lên. Năm 2020, một cựu nhân viên quản trị YouTube đã kiện công ty với cáo buộc rằng công ty luôn thiếu nhân sự bộ phận kiểm duyệt nội dung, dẫn đến ngày càng xuất hiện nhiều nội dung sai sự thật, kích động, bạo lực trên nền tảng. Kết quả là công ty phải chạy đua để xoá các bài viết vi phạm chính sách.

Trước đó, YouTube liên tục tiến hành gỡ quảng cáo và xóa video chứa thông tin sai sự thật về vaccine Covid-19. "Kể từ tháng 2-2020, chúng tôi đã xóa hơn 1 triệu video liên quan đến các thông tin nguy hiểm về COVID-19, chẳng hạn như các phương pháp chữa trị sai lầm", Giám đốc sản phẩm Neal Mohan của YouTube cho biết.

Tuyên bố của YouTube được đưa ra trong bối cảnh các nền tảng truyền thông xã hội đang bị các nhà lãnh đạo chính trị chỉ trích, vì không ngăn chặn được việc lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch và các vấn đề liên quan.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.