Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị thành lập hiệp hội ngành muối Việt Nam

Muối Việt nAM
10:51 - 14/07/2023
Triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030. Ảnh minh họa.
Triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030. Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Từ thực trạng ngành muối còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cần thành lập hiệp hội muối gắn với dinh dưỡng, tập hợp bà con diêm dân, doanh nghiệp củng cố lại ngành hàng.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, ngành muối đang thu hẹp về quy mô và sản lượng, nguồn cung trong nước giảm từ xấp xỉ 1 triệu tấn năm 2019 xuống còn dưới 700.000 tấn năm 2022. Diêm dân bỏ nghề do thu nhập thấp, các mặt hàng muối của Việt Nam chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Báo cáo tại cuộc họp về tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối và triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030, ngày 13/7, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển ngành sản xuất và chế biến muối do sở hữu bờ biển dài trên 3.200 km với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất muối.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp. Ảnh: Mard.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp. Ảnh: Mard.

Tuy nhận được sự quan tâm, đầu tư từ Chính phủ và doanh nghiệp, nhưng ngành sản xuất, chế biến muối vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, diện tích khai thác muối giảm trầm trọng do không được quy hoạch, thiếu các hợp tác xã diêm dân, tác động biến đổi khí hậu…

Từ báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, các đại diện doanh đã phản ánh tình hình thực tế từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Hồ Xuân Vinh, thương hiệu muối dược liệu NanoSalt cho biết, doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi thiếu cơ sở chế biến và khó bảo quản.

Đại diện doanh nghiệp chế biến muối Hồng Dương hiện sở hữu 3 nhà máy hoạt động ổn định và cung cấp tổng sản lượng 200.000 tấn muối cũng cho biết đang gặp khó khăn về trang thiết bị máy móc khi ngân hàng không cho vay thế chấp thiết bị đặc thù. Hơn nữa, do ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng giảm nhiều, muối sản xuất phải nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài, không tạo ra lợi nhuận lớn.

Từ phía CTCP Đầu tư và Thương mại Agritech Việt Nam, ông Lục Mạnh Tùng nhận định, Việt Nam cần tối ưu hóa, định vị phân khúc thị trường muối thủ công sao cho độc lập và tách biệt với chuỗi sản xuất công nghiệp.

Ngoài ra, ông Tùng cho biết hiện Agritech đang xây dựng dự án 3 giai đoạn, phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn để chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng kho muối, bộ chỉ dẫn địa lý, đặc biệt lấy người nông dân làm gốc.

Truyền thông ngành muối cần gắn với dinh dưỡng

Đánh giá thực trạng của ngành muối hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho rằng, cuộc sống và vai trò của người làm muối chưa cân xứng với giá trị chung toàn ngành.

Thứ trưởng đề xuất định hướng nâng tầm muối trở thành ngành hàng chủ lực, rà soát lại tiêu chí phân loại “muối công nghiệp” và “muối thủ công”. Đồng thời, diêm dân và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, lan tỏa văn hóa làm muối thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa (như festival, triển lãm), phát triển du lịch phục vụ ngành muối và phát huy khả năng sản xuất muối thương mại.

Định hướng cho tương lai ngành muối, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khuyến khích các lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp tích hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật, du lịch, văn hóa vào giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu cạnh tranh cho muối Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

“Giá trị dinh dưỡng của muối cần được khai thác triệt để. Cách tiếp cận đa ngành là không bán sản phẩm muối mà bán giá trị dinh dưỡng, kết nối với mục tiêu của Liên hợp quốc về an ninh lương thực - thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng. Truyền thông về muối là củng cố giá trị dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe người dùng, từ đó đảm bảo sinh kế cho người nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Do đó, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị thành lập một hiệp hội về muối và dinh dưỡng. Từ hiệp hội đó củng cố hợp tác xã, mời doanh nghiệp cơ khí về địa phương nghiên cứu, đề xuất mô hình giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí.

Tin liên quan

Đọc tiếp