Bulgaria cân nhắc thanh toán khí đốt sau khi bị cắt nguồn cung

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
11:52 - 25/05/2022
Đường ống Yamal dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu. Ảnh: Reuters
Đường ống Yamal dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh BTV, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Alexander Nikolov cho biết nước này đang có kế hoạch thảo luận với Ủy ban châu Âu về việc thanh toán khí đốt cho Nga bằng đồng Ruble sau khi bị cắt nguồn cung.

Theo hãng tin RT, Sofia trước đó đã từ chối yêu cầu chuyển đổi thanh toán tiền khí đốt của Nga đối với các quốc gia bị nước này coi là “không thân thiện”. Theo Bulgaria, các quan chức EU đã nói rõ rằng các khoản thanh toán bằng đồng tiền của Nga là vi phạm lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria lại hy vọng có thể cân nhắc lại vấn đề thanh toán khí đốt. Bằng cách thảo luận với Ủy ban châu Âu, ông hy vọng cơ quan này sẽ đưa ra thêm các hướng dẫn cho các nước thành viên.

Trước đó hồi cuối tháng 4, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã đình chỉ xuất khẩu khí đốt sang Bulgaria và Ba Lan sau khi 2 nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Động thái này được dự đoán sẽ đem tới ảnh hưởng đáng kể lên Bulgaria do quốc gia này nhập khẩu tới gần 90% lượng khí đốt tự nhiên từ xứ bạch dương và phần còn lại từ Azerbaijan.

Ngoài Ba Lan và Bulgaria từ chối thanh toán, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga như Đức và Italy đều đã đồng ý mở mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank để tuân thủ kế hoạch thanh toán mới và tránh bị cắt nguồn cung. Theo Reuters, việc này không bị Ủy ban châu Âu coi là vi phạm các lệnh trừng phạt đặt ra đối với Moscow về cuộc xung đột ở Ukraine.

Nhà máy lọc dầu Duna của Hungary vẫn đang nhận dầu thô từ Nga. Ảnh: Getty Images

Nhà máy lọc dầu Duna của Hungary vẫn đang nhận dầu thô từ Nga. Ảnh: Getty Images

Ở một diễn biến khác, lệnh cấm vận toàn EU đối với dầu mỏ của Nga càng lúc càng trở nên khó hơn. Theo tờ Financial Times đưa tin hôm 24/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bác bỏ các cuộc thảo luận sâu hơn về đề xuất loại bỏ hoàn toàn nguồn cung dầu từ Nga. Theo nhận định của ông Orban, tuy các nhà lãnh đạo EU khác khẳng định lệnh cấm sắp được hoàn tất, việc này sẽ không thể thành hiện thực nếu Brussels không có các “khoản đầu tư khẩn cấp”.

Trong một lá thư tới Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel được hãng tin này trích dẫn, ông Orban cho biết lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ gây ra “vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung cấp” ở quốc gia của ông. Từ đó tạo ra các “cú sốc về giá” và khiến các hộ gia đình và ngành công nghiệp quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn nữa, các khoản tài trợ trong kế hoạch “REPowerEU” của khối là không đủ để hỗ trợ quá trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch từ Nga của Hungary.

Do đó, ông Orban cho rằng các quốc gia thành viên không nên thảo luận về lệnh cấm vận dầu mỏ trong cuộc họp tuần tới về gói trừng phạt thứ 6. Theo ông, việc “thảo luận về gói trừng phạt ở cấp lãnh đạo mà không có sự đồng thuận sẽ phản tác dụng. Nó sẽ chỉ làm nổi bật sự chia rẽ nội bộ mà không mang lại cơ hội thực tế để giải quyết những khác biệt”.

Cũng giống như Bulgaria, Hungary phụ thuộc gần như toàn bộ vào nhập khẩu khí đốt và hơn 50% nhu cầu dầu mỏ từ Nga. Ngay khi Moscow công bố kế hoạch chuyển đổi thanh toán, Budapest đã đồng ý thanh toán theo cơ chế mới, đồng thời phản đối các lệnh trừng phạt sâu rộng hơn. Theo Thủ tướng Hungary, các lệnh trừng phạt này sẽ giống như một "quả bom hạt nhân" có thể gây ra cuộc khủng hoảng lương thực và di cư hàng loạt trong châu lục. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố các nhà lãnh đạo EU đang “tự sát kinh tế” khi cố gắng từ bỏ năng lượng của Nga.

Bất chấp sự thiếu đồng thuận trong EU, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 23/5 tuyên bố rằng 27 quốc gia thành viên của khối "sẽ đạt được bước đột phá trong vòng vài ngày". Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner vào đầu tháng 5 cũng tuyên bố rằng Berlin sẽ ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của EU đối với Nga, “bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ”.

Tin liên quan

Đọc tiếp