Cần tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy blockchain phát triển

Blockchain Việt nAM
08:03 - 30/09/2023
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại hội thảo Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại hội thảo Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số. Ảnh: Quochoi.vn
Các chuyên gia cho rằng, việc thúc đẩy ứng dụng blockchain (công nghệ chuỗi khối) trong phát triển kinh tế số không chỉ cần hỗ trợ về mặt công nghệ mà còn cần hoàn thiện cơ sở pháp lý.

Phát biểu tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số" diễn ra ngày 29/9, ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) nhận định, công nghệ blockchain trong sản xuất được ví như một "cuốn sổ cái" để theo dõi quá trình sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả và quản lý toàn diện quá trình sản xuất.

Theo ông Huây, trong lĩnh vực thương mại điện tử, blockchain giúp cho vấn đề bảo mật quản lý chuỗi cung ứng, quá trình vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng tốt hơn, đồng thời giảm thiểu chi phí so với cách làm truyền thống. Công nghệ này giúp ghi chép thông tin chính xác với mức độ bảo mật cao, cho phép quản lý hồ sơ từng mặt hàng, vị trí, mọi thiệt hại trong quá trình phân phối, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho các nhà bán lẻ.

Trong nông nghiệp, blockchain giúp quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng tồn kho, lưu trữ thông tin hàng hóa, quy trình chăm sóc, các tiêu chuẩn cho thực phẩm sạch, cũng như truy xuất nguồn gốc và kiểm soát vòng đời sản xuất nông sản. Ngoài ra, blockchain cũng được ứng dụng trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vận tải, logistics và nhiều lĩnh vực khác.

Bên cạnh những tiềm năng, lợi ích mà blockchain mang lại, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, những vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy công nghệ blockchain, kinh nghiệm tiếp cận và quản lý tài sản số từ các quốc gia, nền kinh tế lớn đang đặt ra những thách thức và cơ hội đối với các nhà lập pháp Việt Nam.

Mặc dù thời gian qua cơ quan Nhà nước đã có nhiều động thái tích cực trong việc tiếp cận tài sản số nhưng về mặt pháp lý Việt Nam vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cụ thể về hình thái tài sản mới này.

Trong khi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành quy định quản lý tài sản số như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore nhằm tăng cường bảo vệ người dùng và nhà đầu tư, phòng chống tội phạm tài chính, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh công bằng.

Chính vì vậy, đây được xem là thời điểm mà Việt Nam cần gấp rút nắm bắt thời cơ để triển khai hệ thống pháp lý hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ blockchain nói riêng.

Tại sự kiện, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực VBA nhấn mạnh: "Chúng ta đã có chuyển đổi số, kinh tế số, công dân số, Chính phủ số. Vậy tại sao lại không thể có tài sản số, tài sản ảo, tài sản mã hóa?". Ông cho rằng việc có khung pháp lý với blockchain là cơ sở để xét xử tranh chấp dân sự và các vụ án hình sự; thu hút đầu tư quốc tế; thúc đẩy nguồn lực xã hội không phải từ nguồn lực vật chất truyền thống và có thêm nguồn thu thuế.

Tuy nhiên, theo ông Trung, các nhà lập pháp Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như xung đột lợi ích giữa các chủ thể như Chính phủ, nhà đầu tư, người cung cấp sản phẩm và xung đột lợi ích giữa kinh tế truyền thống hiện tại và kinh tế số tương lai. Các nhà lập pháp nên tiếp cận các hình thái tài sản mới như tiền ảo, tiền mã hóa, tài sản số dưới góc độ bộ Luật dân sự năm 2015 trong lúc nghiên cứu, soạn thảo các bộ luật mới.

Đồng quan điểm, bà Lưu Hương Ly, Trưởng phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, vấn đề về mặt pháp lý đối với các hình thức tài sản mới này không còn mới khi Bộ đã báo cáo chính thức lên Thủ tướng Chính phủ về đề xuất hoàn thiện khung pháp lý để quản lý và xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo từ năm 2018.

"Bộ cũng đề xuất nên sử dụng thuật ngữ cho hình thức tài sản mới này là tài sản mã hoá, không gọi là tiền ảo vì nó sẽ ảnh hưởng đến khái niệm về tiền", bà Ly nói thêm.

Bà Lưu Hương Ly đề xuất, các cơ quan lập pháp cần nghiên cứu công nghệ blockchain và các tài sản số này có những rủi ro gì để đưa ra những quy định quản lý chặt chẽ hay thay đổi về khung khổ pháp lý một cách kịp thời.

Theo bà Ly, một số cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp lo ngại về tài sản số, tội phạm lừa đảo khi sử dụng công nghệ mới, trong đó có công nghệ blockchain. Điều này có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.