Đại gia khu vực đua đầu tư vào startup công nghệ

Startup asean
09:58 - 20/10/2021
0:00 / 0:00
0:00
"Khẩu vị" đầu tư của các nhà tài phiệt Đông Nam Á đang dịch chuyển từ những lĩnh kinh doanh truyền thống sang các ngành thời thượng như thương mại điện tử, nhằm thích ứng tốt với Covid-19.

Hàng loạt đế chế kinh doanh gia đình tại Đông Nam Á như Dhanin Chearavanont (Thái Lan) hay Lance Gokongwei (Philippines) đang đầu tư nhiều triệu USD cho các công ty khởi nghiệp công nghệ hoặc lập các quỹ đầu tư mại hiểm để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Những lĩnh vực được họ đặc biệt quan tâm có thương mại điện tử và chuyển đổi số, vốn đang có cơ hội phát triển bùng nổ do nhu cầu tăng cao nhờ Covid-19.

Việc phong tỏa chống dịch đã đẩy ngành du lịch và bán lẻ tại Đông Nam Á xuống vực thẳm suốt gần hai năm qua, nhưng bù lại khu vực đông dân này lại là một trong những thị trường Internet có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Do vậy cơ hội khởi nghiệp cho các ngành liên quan đến môi trường trực tuyến luôn có nhiều tiềm năng. Theo thống kê của Cento Ventures, chỉ riêng nửa đầu năm 2021 đã có 393 thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trên khắp Đông Nam Á với tổng số vốn 4,4 tỷ USD.

Ông Vishal Harnal, đối tác quản lý của quỹ đầu tư 500 Startups South East Asia từng đầu tư vào Grab phân tích: "Hệ sinh thái kinh doanh của các gia tộc tài chính Đông Nam Á đang trở nên đầy sức sống với các khoản đầu tư vào những công ty khởi nghiệp. Sự tham gia của nhiều gia tộc vào cuộc đua này đã khiến tốc độ đầu tư tăng cao".

Tỷ phú Dhanin Chearavanont, nhà sáng lập CP Group. Ảnh: Asia Times

Tỷ phú Dhanin Chearavanont, nhà sáng lập CP Group. Ảnh: Asia Times

Một trong những đại gia khu vực đang dẫn đầu cuộc đua đầu tư vào các công ty khởi nghiệp là tập đoàn Charoen Pokphand Gropup (CP Group) có lịch sử hàng trăm năm của Thái Lan, vốn kinh doanh các ngành truyền thống từ nông sản đến bán lẻ và viễn thông. Tháng 9 vừa qua, tập đoàn có trụ sở tại Bangkok này đã dẫn đầu vòng đầu tư series C vào startup Ascend Money, giúp công ty này trở thành kỳ lân đầu tiên của ngành fintech Thái Lan với mức định giá 1,5 tỷ USD.

Chưa dừng ở đó, CP Group còn hợp tác với ngân hàng Siam để thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên vào lĩnh vực công nghệ có trị giá 800 triệu USD. Giám đốc công nghệ của tập đoàn là Yue Jun Jiang cho biết, họ đang quan tâm đặc biệt tới những công nghệ tiên tiến như robotics, logistics, điện toán đám mây và các công nghệ số khác.

"Khu vực Đông Nam Á đang bước vào kỷ nguyên vàng của sự chuyển đổi khi các tập đoàn nâng cấp công nghệ, chuyển đổi số và tìm kiếm mô hình kinh doanh mới. Chính Covid-19 đã thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn", ông Yue Jun Jiang phân tích thêm.

Tại Indonesia cũng đang chứng kiến xu hướng tương tự khi Intudo Ventures huy động 115 triệu USD cho quỹ đầu tư tập trung vào nền kinh tế số. Đây là một quỹ đặc biệt vì các nhà đầu tư của nó đến từ 30 đế chế tài chính khác nhau của Indonesia.

Ngoài tự lập các quỹ, các tỷ phú Đông Nam Á cũng tích cực hợp tác với những quỹ đầu tư đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ), trung tâm khởi nghiệp lớn nhất thế giới. Một nhà đầu tư thiên thần có trụ sở tại California là Plug and Play Tech Center, đối tác từng tham gia hỗ trợ 20 kỳ lân khởi nghiệp khác nhau như Pay Pal, mới đây đã ký thỏa thuận hợp tác với hàng chục đối tác tại Đông Nam Á gồm chủ yếu là các tập đoàn gia đình như CP Group (Thái Lan), Astra International (Indonesia), Abotiz Power Corp (Philippines)...

Đại dịch Covid-19 khiến các nước trong khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để đối phó, dẫn đến nhiều lĩnh vực kinh doanh truyền thống bị tê liệt. Do đó việc dòng tiền đầu tư của các đại gia Đông Nam Á dịch chuyển sang lĩnh vực mới như các startup công nghệ được cho là điều tất yếu. Đây là những startup mang nhiều cơ hội được tăng định giá, nhưng chiến lược đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cũng đi kèm rủi ro, đặc biệt là họ "đốt" rất nhiều tiền của nhà đầu tư trong giai đoạn đầu trước khi bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định.

Đọc tiếp