Đầu tư hạ tầng phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo tại Tứ giác Long Xuyên

Kiên Giang An Giang
11:00 - 25/07/2023
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Với mục tiêu hỗ trợ hình thành vùng nguyên liệu lúa gạo tại Tứ giác Long xuyên, Hợp phần 3 sẽ tập trung vào việc đầu tư kết cấu hạ tầng tại hai tỉnh là An Giang và Kiên Giang.

Tại Hội nghị triển khai thi công xây lắp Hợp phần 3: Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gạo vùng tứ giác Long Xuyên do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Kiên Giang ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ xác định tập trung đầu tư vào các nguồn nguyên liệu, nhất là tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn đảm bảo lưu thông trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Nam, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT nhằm đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm nông sản đi các thị trường quốc tế, trong đó có lúa gạo. Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu có nghĩa vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa nâng cao thu nhập cho nông dân.

Cũng tại sự kiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho rằng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng Tứ giác Long Xuyên là hết sức cần thiết, đặc biệt là thi công xây lắp kênh T5 của Kiên Giang, sẽ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho phát triển nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm, giao thương hàng hoá cũng như nhà đầu tư tái đầu tư các khu chế xuất.

Lễ động thổ khởi công dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gói thầu GT14A- thi công các hạng mục công trình và thiết bị hợp phần 3 tại hai tỉnh Kiên Giang và An Giang ngày 24/7. Ảnh: Báo Kiên Giang
Lễ động thổ khởi công dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gói thầu GT14A- thi công các hạng mục công trình và thiết bị hợp phần 3 tại hai tỉnh Kiên Giang và An Giang ngày 24/7. Ảnh: Báo Kiên Giang

Hợp phần 3: Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gạo vùng tứ giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang) thuộc dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu.

Mục tiêu đầu tư của Hợp phần 3 là hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lúa gạo quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao tại các hợp tác xã. Đồng thời, thúc đẩy mối liên kết giữa vùng nguyên liệu tập trung với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Vùng sản xuất nguyên liệu lúa gạo được phát triển với diện tích trên 19.600ha (tỉnh Kiên Giang khoảng 5.200ha và tỉnh An Giang khoảng 14.400ha); xây dựng nông thôn mới ở vùng Tứ giác Long Xuyên.

Phát triển, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo; đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu lúa gạo phục vụ chế biến và xuất khẩu; tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Đối với Hợp phần 3, hạng mục đầu tư với hệ thống đường giao thông kết nối vùng nguyên liệu với các trục giao thông chính tại địa phương và trạm bơm thủy lợi đảm bảo tưới tiêu. Trong đó, công trình sẽ đầu tư 5 tuyến đường giao thông kết nối vùng nguyên liệu với các trục giao thông chính, có tổng chiều dài 35,1km cho tỉnh Kiên Giang, An Giang. Bên cạnh đó, xây dựng mới 5 trạm bơm kết hợp cống điều tiết đảm bảo tưới, tiêu cho khoảng 2.000ha lúa của huyện Tri Tôn (An Giang).

Tỉnh Kiên Giang được đầu tư xây dựng 3 tuyến đường, tổng chiều dài 18,39km gồm đường giao thông bờ tây kênh T5 (đường Võ Văn Kiệt), đường bờ kênh T9 -Kiên Bình và 4 cầu giao thông nằm trên tuyến đường giao thông phía bờ Tây kênh T5.

Tỉnh An Giang được đầu tư 2 tuyến đường, tổng chiều dài 16,7 km gồm tuyến đường bờ Nam kênh Phú Tuyến 1 dài khoảng 3,3km và tuyến đường đê Thoại Sơn - Tri Tôn.

Hợp phần 3 được chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án nông nghiệp triển khai đấu thầu tháng 5/2023 và trao thầu tháng 7/2023, gồm 1 gói thầu xây lắp với giá trị thực hiện khoảng 77 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước do Bộ NN&PTNT quản lý. Tiến độ hoàn thành hợp phần là 270 ngày.

Năm 2021, Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu với tổng mức đầu tư dự án là 440 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Dự án ưu tiên đầu tư hệ thống đường giao thông, thủy lợi phục vụ vận chuyển nguyên liệu nông lâm nghiệp từ nơi sản xuất đến doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; xây dựng sân phơi, nhà kho, nhà sơ chế, chế biến sản phẩm, kho lạnh, silo, bãi tập kết gỗ và một số công trình khác.

Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2022 -2025 với 5 hợp phần. Bao gồm, Hợp phần 1 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc tại Sơn La, Hòa Bình.

Hợp phần 2 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC vùng Duyên hải miền Trung tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Hợp phần 3 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên tại An Giang, Kiên Giang.

Hợp phần 4 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười tại Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang.

Hợp phần 5 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao vùng Tây Nguyên tại Gia Lai, Đăk Lăk.

Tin liên quan

Đọc tiếp