Đề xuất cho phép người lao động được dùng sổ BHXH vay ngắn hạn

BHXH LAO ĐỘNG
17:16 - 15/06/2023
Đề xuất cho phép lao động nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi, khi đã tham gia BHXH đủ 15 năm sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Ảnh: VOV.
Đề xuất cho phép lao động nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi, khi đã tham gia BHXH đủ 15 năm sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Ảnh: VOV.
Từ kết quả khảo sát 8.343 người lao động về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Ban IV chỉ ra 61% số người từng làm điều này vì không có việc, thiếu nguồn thu nhập nên coi đó là giải pháp bù đắp.

Theo báo cáo kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), có 14% người đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này, 61% tức 1.164 người lao động trả lời họ rút bảo hiểm xã hội một lần do không có việc, không có nguồn thu nhập bù đắp nên coi đây là một giải pháp.

Người lao động cần tiền để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân như mua nhà, trả tiền cho con học đại học, thậm chí là thanh toán các khoản nợ.

“Quy định hiện hành của bảo hiểm xã hội không cho phép họ rút một phần/hoặc vay một phần bảo hiểm xã hội đã đóng. Điều này có thể đưa ra gợi ý chính sách là có cơ chế cho người lao động được vay tạm thời để giảm việc rút tiền bảo hiểm xã hội một lần”, Ban IV gợi mở từ kết quả sát.

Đáng chú ý, 14% người lao động lý giải rút bảo hiểm xã hội do lo lắng vào sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội. Khi được hỏi về khả năng đóng lại bảo hiểm xã hội, 48% số lao động từng rút bảo hiểm xã hội cho biết không muốn đóng lại.

Theo Ban IV, đây là con số đáng lưu tâm cho các nhà hoạch định chính sách. Chính sách bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là chế độ hưu trí. Chính sách bảo hiểm xã hội có đạt được mục tiêu hay không phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội cao hay thấp.

Do đó, nếu chính sách bảo hiểm xã hội không nhất quán, người lao động lo lắng về chính sách chi trả thì tỷ lệ người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng cao. Điều này làm cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đến tuổi về hưu có thể sẽ không thực hiện được.

Báo cáo của Ban IV cũng cho rằng, xu hướng rút bảo hiểm xã hội còn chưa dừng lại khi mà người lao động vẫn có nguy cơ bị mất việc rất cao trong nửa cuối năm 2023 và phần lớn trong số họ ít có nguồn tài chính dự trữ để duy trì cuộc sống.

Người lao động mong muốn có quyền lựa chọn khi rút BHXH

Để hỗ trợ người lao động đồng thời giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Ban IV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, cho người lao động sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh.

Báo cáo cũng truyền tải những kiến nghị từ trực tiếp người lao động tham gia khảo sát. Trong đó, người lao động đề xuất cho phép lao động nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi, khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm sẽ được hưởng chế độ hưu trí.

Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn đồng thời tạo điều kiện để người lao động có thể dùng một phần thu nhập tham gia vào các quỹ bảo hiểm khác để có thể đa dạng hóa các nguồn tiền tích lũy.

Người lao động kiến nghị cho họ có quyền lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần theo nguyện vọng chính đáng.

Từ thực tế, lao động phổ thông sau 45 tuổi rất khó để tìm việc làm để đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, người lao động mong muốn được căn cứ số tuổi cho phép rút bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, lao động phổ thông từ 20 - 45 tuổi không được rút để tránh mất cân bằng quỹ an sinh. Sau 45 tuổi, họ sẽ có 2 quyền lựa chọn: Rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc đóng tiếp để hưởng lương hưu.

Theo những người lao động tham gia khảo sát, bảo hiểm xã hội nên cho người lao động đóng đủ từ 20 năm trở lên có quyền nghỉ hưu sớm, với tỷ lệ hưởng thấp hơn so với tỷ lệ hưởng đúng tuổi, đúng số năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp