Foxconn có thể bị phạt vì đầu tư trái phép vào ‘gã khổng lồ’ chip Trung Quốc

CÔNG NGHỆ Foxconn
20:37 - 18/12/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Foxconn Industrial Internet (FII) - công ty con của Tập đoàn Foxconn Đài Loan (Trung Quốc) sẽ bán toàn bộ cổ phần gián tiếp của mình trong tập đoàn bán dẫn khổng lồ Tsinghua Unigroup.

Chính quyền Đài Loan hôm 16/12 thông báo, họ sẽ phạt Foxconn (tên chính thức là Hon Hai Precision Industry) vì thương vụ đầu tư “trái phép” ngay sau khi công ty này cho biết sẽ bán toàn bộ cổ phần và yêu cầu Foxconn có "lời giải thích đầy đủ" về khoản đầu tư vào đầu tuần tới.

"Đối với việc khoản đầu tư không được khai báo trước, số tiền vẫn sẽ được tính toán theo công thức và hình phạt sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật", trích dẫn thông báo.

Luật pháp Đài Loan cấm các công ty xây dựng nhà máy sản xuất ở nước ngoài để đảm bảo công nghệ tiên tiến nhất không lọt ra ngoài. Quy định này "dựa trên việc xem xét an ninh quốc gia và phát triển công nghiệp". Những người vi phạm luật có thể bị phạt nhiều lần cho đến khi sửa sai.

Foxconn là nhà sản xuất iPhone theo hợp đồng lớn nhất của Apple Inc và điều hành một số nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc đại lục.

Tsinghua Unigroup là một trong những công ty bán dẫn nổi bật nhất ở Trung Quốc, do nhà nước hậu thuẫn. FII gián tiếp nắm giữ cổ phần của Tsinghua Unigroup thông qua Đối tác Đầu tư Công nghiệp Xingwei (Quảng Châu). Còn Xingwei, thông qua một chi nhánh của mình, đã đầu tư vào Beijing Zhiguangxin Holdings - công ty mẹ của Tsinghua Unigroup.

Trong một tuyên bố riêng, Hon Hai cho biết họ quyết định bán cổ phần để tránh bất trắc vì khoản đầu tư vẫn chưa thể hoàn tất. Foxconn Industrial Internet sẽ bán toàn bộ số cổ phần tại Tsinghua Unigroup cho Yantai Haixiu IC Investment Center với giá không dưới 5,38 tỷ nhân dân tệ (772 triệu USD).

Foxconn còn đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất chip ô tô khi mở rộng sang thị trường xe điện. Công ty đang tìm cách mua lại các nhà máy sản xuất chip trên toàn cầu khi tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới đang gây khó khăn cho các nhà sản xuất hàng hóa từ ô tô đến đồ điện tử.

Chuỗi cung ứng chip tự cung tự cấp trong nước của Trung Quốc đang đối mặt với việc Mỹ và đồng minh hạn chế quyền tiếp cận của các công ty Trung Quốc đối với các công nghệ bán dẫn tiên tiến.

Hàng chục công ty công nghệ Trung Quốc gần như không thể mua các linh kiện quan trọng của nước ngoài do bị Mỹ đưa vào Danh sách thực thể. Và điều này làm gia tăng xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Bloomberg, hành động của Washington diễn ra sau khi chính quyền Biden thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hai tháng trước để ngăn Trung Quốc mua hoặc sản xuất chất bán dẫn - yếu tố quan trọng để quốc gia châu Á này vượt qua Mỹ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính. Các đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, bao gồm Hà Lan và Nhật Bản, cũng đang lên kế hoạch áp dụng một số quy tắc mới của Hoa Kỳ.

Đồng thời, trong một diễn biến khác, đầu tháng 12, Foxconn đã thông báo rót 500 triệu USD vào chi nhánh Ấn Độ để chuyển một phần sản xuất sang quốc gia này. Theo tin từ Apple, doanh thu gần nhất của iPhone đã đạt mức đỉnh mới - 42,6 tỷ USD, trong đó sản lượng iPhone sản xuất tại Ấn Độ cũng tăng gấp đôi so với quý trước.

Trước đây, Apple chỉ sản xuất các dòng iPhone 12, 13 tại Ấn Độ nhưng hiện đã cho phép lắp ráp cả iPhone 14 để đáp ứng đơn hàng toàn cầu. Ấn Độ là một trong những khu vực sản xuất iPhone trọng tâm với tham vọng tạo ra gần 50% sản lượng iPhone xuất khẩu.

Việc Apple Inc. phát triển nhiều nhà máy theo hợp đồng tại Ấn Độ như Foxconn, Wistron và Pegatron là một phần trong kế hoạch từng bước chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.