Hòa Phát lãi 4.000 tỷ đồng trong quý II, giảm 60% so với năm trước

Ngành Thép HÒA PHÁT
16:44 - 26/07/2022
Hòa Phát lãi 4.000 tỷ đồng trong quý II, giảm 60% so với năm trước
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) mới công bố kết quả kinh doanh quý II và bán niên năm 2022. Quý II năm nay, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong quý II/2022, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 37.714 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% và lợi nhuận sau thuế đạt 4.023 tỷ đồng, giảm tới 60% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 23% và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 160.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 25.000 - 30.000 tỷ. Như vậy, với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã thực hiện khoảng 51% kế hoạch doanh thu và 41% - 49% kế hoạch lợi nhuận.

Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong quý II, mặc dù thị trường nguyên liệu trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp do cuộc xung đột Nga – Ukraine nhưng tập đoàn vẫn duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng quý II/2022 đạt 1,8 triệu tấn, trong đó có gần 380.000 tấn thép xây dựng xuất khẩu. Tiêu thụ ống thép, tôn mạ lần lượt đạt 159.000 và 75.000 tấn. Hòa Phát tiếp tục khẳng định vị thế thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng (36,2%), ống thép (28,8%).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 4.3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6%. Trong đó, thép xây dựng là 2.38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu năm 2021. Sau nửa năm, bán hàng HRC của Hòa Phát ghi nhận 1.4 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 377,000 tấn và 180,000 tấn, tương đương mức tiêu thụ nửa đầu năm 2021.

Các lĩnh vực khác của Tập đoàn vẫn hoạt động theo đúng kế hoạch quý. Theo đó, nông nghiệp đóng góp 4% doanh thu chung của Tập đoàn. Về bất động sản, tháng 6/2022, Tập đoàn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng Khu công nghiệp Yên Mỹ II thêm 216ha. Về ngành điện máy gia dụng, trong quý III/2022, Tập đoàn dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường một số dòng sản phẩm mới như máy lọc nước, máy lọc không khí…

Với kết quả kinh doanh này, 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn đã nộp vào ngân sách Nhà nước gần 7.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021, vượt xa số nộp của cả năm 2020.

Hiện tại, các dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, dự án khai thác mỏ quặng sắt tại Úc, Nhà máy sản xuất vỏ container tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trung tâm sản xuất hàng gia dụng tại Hà Nam…đang được đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, dự án hàng điện máy gia dụng, vỏ container sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên trong quý III, quý IV năm nay. Dự kiến khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành vào năm 2025, Hòa Phát sẽ lọt Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Dù còn nhiều tiềm năng kinh doanh được Hòa Phát kỳ vọng trong nửa cuối năm 2022, nhưng với kết quả kinh doanh này, quý II/2022 là quý có biên lợi nhuận thấp nhất trong 2 năm gần đây của Hòa Phát.

Và dự đoán kết quả kinh doanh cả năm 2022 của ngành thép sẽ không quá khả quan đã được ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát phát biểu tại ĐHĐCĐ của CTCP tập đoàn Hòa Phát ngày 24/5: “Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 đi rồi sẽ thấy. Lúc này, ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa là có kết quả kinh doanh quý 2/2022, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”.

Đồng thời Hòa Phát cũng không phải công ty duy nhất nhìn thấy khó khăn này. Bằng chứng là so với kết quả thực hiện đầy thành công năm 2021, nhiều công ty ngành thép cũng đều đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 đầy khiêm tốn. Ví dụ như Tập đoàn Hoa Sen đã đặt ra kế hoạch về lợi nhuận niên độ 2021 - 2022 chỉ 1.500 tỷ đồng, tương đối khiêm tốn so với mức thực hiện 4.313 tỷ đồng của niên độ trước, do nhà lãnh đạo tập đoàn lo ngại về vấn đề tăng giá của nguyên liệu đầu vào.

Còn CTCP Đầu tư Thương mại SMC cũng đặt mục tiêu doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 300 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 thực hiện năm 2021, do lo ngại về mức tăng giá nguyên liệu toàn cầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp