Lâm nghiệp và thuỷ sản khôi phục mạnh mẽ, chăn nuôi gặp khó

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
06:02 - 30/03/2022
0:00 / 0:00
0:00

Số liệu quý I/2022 cho thấy khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao.

Báo cáo quý I/2022 của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3 cho thấy, tình hình kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông.

Tổng sản phẩm trong nước GDP quý I/2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung.

Sản xuất nông nghiệp quý I/2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi nhưng vẫn chịu tác động từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Sản lượng ngành trồng trọt ở mức đảm bảo. Tính đến trung tuần tháng 3/2022, cả nước gieo trồng được 2.959,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước.

Đến trung tuần tháng 3/2022, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa vụ mùa 2021-2022. Diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng đạt 171,2 nghìn ha, bằng 113,6% vụ mùa năm trước; năng suất lúa mùa toàn vùng đạt khá ở mức 51,6 tạ/ha, tăng 7,4 tạ/ha so với năng suất vụ mùa năm trước, sản lượng đạt 881,1 nghìn tấn, tăng 215,8 nghìn tấn.

Trong quý I/2022, sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp lâu năm như sau: Chè búp đạt, hồ tiêu, cao su đều tăng, riêng hạt điều giảm mạnh.

Hầu hết sản lượng cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước: Chuối đạt 654,3 nghìn tấn, tăng 3,3%; cam đạt 263 nghìn tấn, tăng 2,1%; dứa đạt 211,2 nghìn tấn, tăng 3,4%; xoài đạt 180,9 nghìn tấn, tăng 2,4%; bưởi đạt 158,2 nghìn tấn, tăng 3,2%; riêng sản lượng thanh long đạt 349,7 nghìn tấn, giảm 3,2% do gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi trâu, bò trong quý bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại xảy ra trong tháng 2/2022. Chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục do các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi chủ động được nguồn giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học.

Ngành chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi có xu hướng giảm. Nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi lớn, dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương, người chăn nuôi cần có các biện pháp phòng và xử lý dịch hiệu quả để giảm nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.

Sản xuất lâm nghiệp, chế biến và xuất khẩu gỗ có nhiều tín hiệu tích cực. Ước tính quý I/2022, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước đạt 35,4 nghìn ha, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 27 triệu cây, tăng 8,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 3,1 triệu m3, tăng 3,6%; sản lượng củi khai thác đạt 4,7 triệu ste, tăng 0,9%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 216,5 ha, giảm 40,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình tiêu thụ gỗ những tháng đầu năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực, nhu cầu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ trên thị trường thế giới tăng nhanh. Vì vậy, doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy khai thác và tiêu thụ gỗ trong nước.

Hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản khôi phục mạnh mẽ. Sản lượng thủy sản tháng 3/2022 ước tính đạt 694,2 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1.863,6 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 3/2022 ước tính đạt 367,8 nghìn tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, sản lượng này ước tính đạt 988 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá cá tra trong quý I/2022 tăng cao do nguồn cung cá tra trong nước và toàn cầu thấp. Giá cá tra nguyên liệu tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tăng mạnh sau hơn hai năm liên tiếp ở mức thấp. Tháng 01/2022, giá cá tra nguyên liệu loại 0,9 kg/con tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ dao động ở mức 23,5 - 24 nghìn đồng/kg, tăng 3,5 - 4,0 nghìn đồng so với thời điểm cùng kỳ năm trước.

Đến đầu tháng 3, giá cá tra đạt mức 32 nghìn đồng/kg. Sản lượng cá tra tháng 3/2022 ước tính đạt 140,7 nghìn tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2022, sản lượng cá tra đạt 342,6 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, giá tôm cũng có xu hướng tăng, các địa phương tiếp tục phát triển tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh công nghệ cao song song với quy trình nuôi mới, ao lót bạt đáy, chủ động trong việc kiểm soát môi trường ngày càng tốt hơn.

Sản lượng tôm sú tháng 3/2022 ước đạt 17,1 nghìn tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 35,2 nghìn tấn, tăng 23,1%. Ước tính quý I/2022, sản lượng tôm sú đạt 47 nghìn tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 89,1 nghìn tấn, tăng 12,9%.

Sản lượng thủy sản khai thác biển trong tháng ước đạt 313,6 nghìn tấn, giảm 3,9% do số lượng tàu thuyền có xu hướng giảm nhằm hướng tới khai thác thủy sản bền vững. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao làm tăng chi phí đầu vào trong khi giá hải sản khai thác có chiều hướng giảm nên ngư dân hạn chế ra khơi.

Tính chung quý I/2022, sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 875,6 nghìn tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 668,7 nghìn tấn, giảm 1,1%; tôm đạt 32,4 nghìn tấn, giảm 0,3%. Sản lượng thủy sản khai thác biển quý I năm 2022 ước đạt 835,3 nghìn tấn, giảm 1,3%.

Tin liên quan

Đọc tiếp