Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cần bổ sung rõ khái niệm và phân loại 'dữ liệu mở'

KInh tế số Việt nAM
15:37 - 14/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, người dân cho dự thảo Luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022, sau đó thông qua tại kỳ họp tháng 5/2023.

Ngày 14/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo "góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)", đưa ra nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định như giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; giao kết hợp đồng điện tử; dịch vụ tin cậy; các quy định quản lý hoạt động của nền tảng số…

Cần bổ sung những nội dung phù hợp

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) – cho biết: Luật Giao dịch điện tử ra đời từ năm 2005, sau hơn 15 năm thực hiện, luật đã thể hiện vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào cải cách hành chính mạnh mẽ. Đặc biệt, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với sự phát triển mạnh mẽ của các giao dịch trên môi trường mạng, vai trò của Luật Giao dịch điện tử càng thể hiện rõ.

Ảnh tác giả

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 tuy ra đời sớm, nhưng tính chất quy định theo hướng khung, nguyên tắc nên có tính ổn định cao. Theo đó, đã hơn 15 năm nhưng vẫn khá tương thích với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, bối cảnh đã có nhiều thay đổi, các giao dịch được thực hiện trên môi trường điện tử ngày càng nhiều, nên rất cần một khung khổ pháp lý phù hợp hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế (VCCI)

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành, Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, từ đầu năm đến nay, để xây dựng Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xin ý kiến, và phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức 6 hội thảo tham vấn ý kiến của chuyên gia, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp.

Tính đến ngày 29/4, ban soạn thảo đã nhận được 90 văn bản góp ý kiến cùng với hơn 850 ý kiến góp ý cụ thể cho dự thảo luật.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang xây dựng có 8 chương, 60 điều. Các chính sách chủ yếu của dự thảo sau khi được tiếp thu ý kiến tập trung vào những nội dung, bao gồm: Quy định về mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử; quy định đảm bảo giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu: Sửa đổi, chi tiết hóa cách xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; quy định bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử; quy định đảm bảo giá trị pháp lý của tài khoản giao dịch; quy định đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; quy định về dịch vụ tin cậy; quy định về an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; quy định về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước và chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử…

Ông Nguyễn Trọng Đường cho biết: “Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, đồng thời sửa đổi, bổ sung các nội dung mới phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số."

Đóng góp ý kiến của người dân và doanh nghiệp

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đức Tiến – Giám đốc Marketing – CTCP Phát triển nguồn mở Việt Nam góp ý, tại Chương V, giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, Điều 47 về Dữ liệu mở, đề nghị bổ sung 4 nội dung:

Thứ nhất, bổ sung khái niệm “Dữ liệu mở”, đồng thời phân loại rõ dữ liệu mở nói chung với dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước.

Thứ 2, bổ sung nội dung quy định về giấy phép sử dụng và quyền tương ứng cho dữ liệu mở, để doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng, khai thác dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước và phát triển kinh tế số.

Thứ 3, bổ sung thêm điều mới, quy định cụ thể việc thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước, có lộ trình cấp phép và ban hành dữ liệu mở rõ ràng.

Thứ 4, bổ sung nội dung quy định việc các cơ quan quản lý Nhà nước cần đảm bảo năng lực hệ thống, cổng thông tin của cơ quan mình, không cấm người dân, doanh nghiệp truy cập dữ liệu mở của cơ quan mình.

Ông Trần Mạnh Hùng - Luật sư điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN cho rằng, các dịch vụ như dịch vụ Internet, dịch vụ viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây hay dịch vụ nền tảng số hiện đang được điều chỉnh bởi những luật có liên quan như Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ, các nghị định về quản lý hoạt động Internet, thương mại điện tử…

Vì vậy, theo ông Hùng, việc quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ "chung chung" như trong chương V của Dự thảo là không cần thiết và không có ý nghĩa trong việc quản lý hay thúc đẩy các giao dịch điện tử. Những quy định này cũng không phù hợp với các thông lệ quốc tế hay các luật khung về giao dịch điện tử của các tổ chức quốc tế.

Ông Hùng cũng cho biết: "Phần lớn Luật Giao dịch điện tử của các quốc gia khác trên thế giới chỉ tập trung vào quản lý tính pháp lý của các phương tiện hoặc yếu tố điện tử của các giao dịch như chữ ký số, chứng thư điện tử, hợp đồng điện tử… chứ không quản lý các dịch vụ số hoặc nền tảng liên quan."

Ngoài ra, một số ý kiến đáng chú ý khác được đưa ra như những biện pháp các cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện nhằm hạn chế và bảo vệ giao dịch điện tử trong dự thảo mới nhất là quá chặt chẽ và có thể dẫn tới sự lạm quyền hoặc lợi ích nhóm. Với nội dung này, quy định trong dự thảo trước đây lại được đánh giá là hợp lý hơn khi các biện pháp giải quyết tranh chấp chỉ được áp dụng khi các bên có liên quan yêu cầu.

Với các mong muốn của đại biểu về luật sửa đổi sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân khi giao dịch trên môi trường điện tử. Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, đây là bộ luật quan trọng, đưa ra những khung khổ pháp lý trên môi trường số, nên luật mới cần tạo ra một cơ sở giao dịch vững chắc hơn, nhanh hơn, tiện lợi và an toàn với chi phí thấp, tạo sự ổn định và tin cậy hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Dự thảo Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố và lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ. Luật này sau khi được thông qua sẽ có những tác động lớn đối với sự phát triển của kinh tế số nói chung cũng như các hoạt động giao dịch điện tử nói riêng. Dự kiến Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ và đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới và thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.